Trong những năm gần đây, các hành vi xâm phạm quyền tác giả được diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (sau đây gọi chung là “chủ sở hữu quyền tác giả”). Chính vì vậy, “phải làm gì khi tác phẩm bị xâm phạm” trở thành một trong những chủ đề được các tác giả, nhà sáng tạo quan tâm nhiều nhất. Vậy chủ sở hữu quyền tác giả có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi tác phẩm bị xâm phạm? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ các biện pháp có thể áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.

I. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả

Hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật SHTT”) bao gồm các hành vi sau:

  • Xâm phạm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các Điều 25, 25a và 26 của Luật SHTT.
  • Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều 28 và Điều 35 của Luật SHTT.
  • Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
  • Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả.
  • Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại Khoản 3 Điều 198b của Luật SHTT.

II. Các biện pháp được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả

1. Biện pháp tự bảo vệ, thương lượng

Kể từ thời điểm tác phẩm được tạo ra, chủ sở hữu quyền tác giả nên áp dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả. Biện pháp công nghệ được áp dụng có thể là kiểm soát quyền truy cập hoặc kiểm soát quyền sử dụng.

Đặc biệt, chủ sở hữu quyền tác giả nên đăng ký quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả. Việc đăng ký này sẽ giúp chủ sở hữu quyền tác giả có thêm căn cứ để chứng minh tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trong trường hợp có tranh chấp, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ là căn cứ quan trọng để xác định quyền sở hữu tác phẩm. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm, trước hết, chủ sở hữu quyền tác giả nên liên hệ để thương lượng với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể gửi các văn bản cảnh báo, yêu cầu các đối tượng này chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Trường hợp không thể thương lượng với các đối tượng xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể áp dụng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc áp dụng biện pháp dân sự là khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài để yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Biện pháp dân sự

Khi khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài, chủ sở hữu quyền tác giả có thể yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp sau để xử lý đối tượng vi phạm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại;
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền tác giả với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp hành chính

Hành vi xâm phạm quyền tác giả bị xử phạt vi phạm hành chính theoNghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP (gọi chung là “Nghị định 131”).

Chủ sở hữu quyền tác giả nên tìm hiểu Nghị định 131 và xác định hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Từ đó, chủ sở hữu quyền tác giả có thể nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm và các chứng cứ chứng minh đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

3. Biện pháp hình sự

Chủ sở hữu quyền tác giả có thể thực hiện quyền tố giác tội phạm đối với cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 225 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tố giác tội phạm, chủ sở hữu quyền tác giả nên tìm hiểu kỹ lưỡng quy định của pháp luật, cũng như chuẩn bị đầy đủ bằng chứng, chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả, bởi lẽ việc tố giác sai sự thật sẽ tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

III. Dịch vụ pháp lý hỗ trợ bảo vệ quyền tác giả của Công ty CP Phát triển bản quyền Việt Nam

Với đội ngũ chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm, VCD tự tin trong việc hỗ trợ Khách hàng xử lý những vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền tác giả. Với phương châm luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng, công ty cố gắng và đảm bảo hỗ trợ Khách hàng và triển khai công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, thường xuyên báo cáo tiến trình vụ việc cũng như đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo để Khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả công việc. Khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng dịch vụ pháp lý hỗ trợ bảo vệ quyền tác giả của chúng tôi.

Trên đây là bài viết Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,