Trong phần 1, chúng tôi đã trình bày về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định trong Nghị định 131. Trong phần 2, chúng tôi tiếp tục trình bày quy định về khung phạt tiền, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả.
2. Khung phạt tiền
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 131, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
- Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện và hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc về quyền tác giả:
- Hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả đang thực hiện là hành vi có tính chất kéo dài, đã và đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm và hành vi đó vẫn đang trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước (“Hành vi vi phạm đang thực hiện”).
- Hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ, thông tin chứng minh hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm hành chính (“Hành vi vi phạm đã kết thúc”).
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả là 02 năm.
- Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả:
- Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
- Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Thời hiệu được bắt đầu tính tương tự như hành vi vi phạm đang thực hiện hoặc hành vi vi phạm đã kết thúc, được tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể, chi tiết từ Điều 36 đến Điều 40d của Nghị định 131.
Để xác định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cần xác định những tiêu chí sau: i) Điều khoản quy định về hành vi vi phạm; ii) Mức tối đa của khung tiền phạt; iii) Biện pháp khắc phục hậu quả. Sau đó, đối chiếu với các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xác định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người có quyền xử phạt loại hành vi vi phạm và có quyền phạt tiền lớn hơn hoặc bằng mức tối đa của khung tiền phạt và có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Ví dụ: Đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đầu tiên, cần xác định ba tiêu chí: i) Hành vi này được quy định tại Điều 11 của Nghị định số 131; ii) Mức phạt tiền tối đa với cá nhân là 10.000.000 đồng và với tổ chức là 20.000.000 đồng; iii) Biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 3 Nghị định số 131.
Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là người có quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại Điều 11, có quyền phạt tiền với cá nhân là 10.000.000 đồng và với tổ chức là 20.000.000 đồng và có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Những người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra bộ thuộc Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra bộ thuộc Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.
5. Dịch vụ pháp lý hỗ trợ bảo vệ quyền tác giả của Công ty CP Phát triển bản quyền Việt Nam
Với đội ngũ chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm, VCD tự tin trong việc hỗ trợ Khách hàng xử lý những vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền tác giả. Với phương châm luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng, công ty cố gắng và đảm bảo hỗ trợ Khách hàng và triển khai công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, thường xuyên báo cáo tiến trình vụ việc cũng như đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo để Khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả công việc. Khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng dịch vụ pháp lý hỗ trợ bảo vệ quyền tác giả của chúng tôi.
Trên đây là bài viết “Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả (phần 2)”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,