Sách nói (audio book) là một sản phẩm không còn xa lạ gì đối với những người yêu thích đọc sách bởi những trải nghiệm khác biệt và sự tiện ích cho người dùng. Thay vì mua sách giấy truyền thống, hay những bản sách điện tử (ebook), những năm gần đây người đọc bận rộn có thể lựa chọn là sách nói để nghe trong khi vừa làm các công việc không rảnh tay. Có thể nói, sách nói là một hướng đi mới và có khả năng tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Vậy, những cá nhân, tổ chức cần phải chú ý gì để thực hiện và kinh doanh sách nói mà không xâm phạm bản quyền?

1. Sách nói là tác phẩm phái sinh

Sách là đối tượng chứa đựng những tri thức, nội dung và tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải tới những người khác thông qua chữ viết, văn bản, có thể ở dưới dạng bản giấy hoặc bản điện tử. Sách có nội dung đa dạng, phong phú, thuộc nhiều thể loại khác nhau. Sách nói là hình thức trình bày nội dung của một cuốn sách dưới dạng âm thanh, được ghi lại trong bản ghi âm. Cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, con người càng ít có thời gian để ngồi đọc sách, do đó, việc sử dụng sách nói là một sự lựa chọn kinh tế và tiện lợi.

    Luật Sở hữu trí tuệ không quy định trực tiếp sách hay sách nói là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả mà quy định tại Điều 14 Khoản 1 điểm a về tác phẩm viết, theo đó “Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác” là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

    Bên cạnh đó, theo Điều 4 Khoản 8 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh được hiểu như sau:

    “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.”

    Từ những căn cứ trên, có thể thấy rằng sách nói là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm sách gốc. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức muốn thu âm sách nói phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sách gốc và trả tiền bản quyền cho họ.

    2. Ghi âm sách và đăng tải lên mạng internet có được coi là xâm phạm bản quyền hay không?

    Quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn thực hiện tác phẩm phái sinh thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.

    Theo Điều 28 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được coi hành vi xâm phạm quyền tác giả  do hành vi đó xâm phạm quyền tài sản thuộc quyền tác giả được quy định tại Điều 20.

    Hành vi làm sách nói tự phát và đăng tải lên mạng internet nhưng không xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của cuốn sách là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cần phải hiểu rõ rằng, không phải mua sách gốc có bản quyền nghĩa là đã trả tiền bản quyền cho tác giả và được phép thu âm sách nói để truyền đạt tác phẩm đến với công chúng. Quyền làm tác phẩm phái sinh hay quyền truyền đạt tác phẩm đến với công chúng đều là những quyền độc lập và phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mới được thực hiện. Việc thu âm sách nói sẽ không phải là hành vi xâm phạm nếu bản thu âm:

    • là bản sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép và chỉ được dùng cho cá nhân người thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
    • để hỗ trợ cho người khuyết tật không nhằm mục đích thương mại;
    • là bản sao sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy;
    • là bản sao trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu.

    Theo Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ bị xử lý như sau:

    “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

    2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

    Vì những lí do trên, những cá nhân, tổ chức nếu muốn sử dụng một cuốn sách để làm sách nói thì phải xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của cuốn sách đó. Nếu không thực hiện, người đó sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt nêu trên.

    Trên đây là bài viết “Làm sách nói như thế nào để không xâm phạm bản quyền?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

    Trân trọng,