Dùng những câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng để làm slogan, tagline cho thương hiệu có thể giúp thương hiệu lan truyền được danh tiếng tốt hơn, được nhiều người biết đến hơn bởi họ đều đã biết những câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng đó. Tuy nhiên, liệu một thương hiệu, nhãn hàng làm như vậy có bị coi là xâm phạm bản quyền hay không?

Trong các chiến dịch quảng cáo, nhãn hàng có thể sử dụng những câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng, có ý nghĩa để thực hiện quảng cáo, làm slogan cho sản phẩm, thể hiện được tính chất của sản phẩm hay điều mà nhãn hàng và sản phẩm sẽ đem lại cho người tiêu dùng. Ví dụ, trong chiến dich quảng cáo của ViettelMoney đã sử dụng câu hát “Ting Ting trong 1 nốt nhạc” trong bài hát “Hết Mana” do Bigdaddy, Justatee, Bình Gold thể hiện để biểu thị khả năng chuyển tiền nhanh chóng của dịch vụ mà ViettelMoney cung cấp. Hay, một đoạn trong ca khúc Titanium của ca sĩ Sia đã được sử dụng trong quảng cáo sản phẩm kem đánh răng Closeup của công ty Unilever. Có thể thấy, việc sử dụng những câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng để làm slogan quảng cáo cho thương hiệu là rất phổ biến và đem lại hiệu quả tích cực cho nhãn hàng. Tuy nhiên, để thực hiện việc đó, nhãn hàng cũng cần lưu ý tới vấn đề bản quyền khi sử dụng những câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng của người khác.

Việc sử dụng một câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng để làm slogan, tagline cho thương hiệu là việc sao chép một phần tác phẩm để sử dụng cho mục đích thương mại. Theo Khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền sao chép tác phẩm như trên phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Bên cạnh đó, đối với phần tác phẩm được trích ra từ bản ghi âm, ghi hình, theo Điều 26 Khoản 1 Điểm b, Điều 33 Khoản 1 Điểm b Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm, cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo biểu mức quy định của Chính phủ. Cụ thể hơn, Điều 35 Nghị định 17/2023/NĐ-CP còn quy định nếu cá nhân, tổ chức nêu trên không trả tiền bản quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ khi sử dụng thì phải dừng việc tiếp tục sử dụng.

Trên đây là bài viết “Lấy một câu văn, câu thơ, câu hát nổi tiếng để làm slogan, tagline cho thương hiệu có xâm phạm bản quyền không?”. Mong bài viết này có ích đối với quý vị.

Trân trọng,