Ngành công nghiệp bản quyền ngày càng phát triển, những tác phẩm được sáng tạo ra không chỉ mang những giá trị tinh thần cho xã hội mà còn đem lại những lợi ích về kinh tế. Những tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cần nắm rõ nội dung cơ bản của pháp luật về quyền tác giả để có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy, nội dung cơ bản về quyền tác giả được quy định thế nào?

I. Quyền tác giả là gì?

1. Khái niệm quyền tác giả

Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Như vậy, quyền tác giả bao gồm những quyền cụ thể mà pháp luật trao cho tác giả hay chủ sở hữu của một tác phẩm về việc đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Sao chép, điều chỉnh hay truyền tải, phổ biến tác phẩm đến với công chúng bằng và việc cho phép người khác tham gia vào quá trình khai thác tác phẩm.

2. Đặc điểm của quyền tác giả

  • Thứ nhất, đối tượng của quyền tác giả là sản phẩm của hoạt động sáng tạo tinh thần, được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
  • Thứ hai, quyền tác giả thiên về bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm, không bảo hộ ý tưởng sáng tạo.
  • Thứ ba, hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động.
  • Thứ tư, quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối.

II. Nội dung quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.” Như vậy, có thể thấy, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

1. Quyền nhân thân

  • Quyền đặt tên cho tác phẩm: Tên gọi của tác phẩm phần nào thể hiện dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo, hơn hết tác phẩm là sáng tạo tinh thần của tác giả nên quyền đặt tên luôn gắn liền với tác giả và không thể dịch chuyển sang người khác. Tuy nhiên, quyền này không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
  • Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm: tác giả, các đồng tác giả là những chủ thể được phép đứng tên trên tác phẩm. Quy định này nhằm đảm bảo hơn cho quyền lợi của các đồng tác giả đối với thành quả lao động trí tuệ của mình.
  • Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm: là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.
  • Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả. Tuy nhiên, những sửa đổi mang tính kỹ thuật khi trình bày tác phẩm mà không làm ảnh hưởng đến nội dung, tư tưởng, hình thức thể hiện của tác phẩm thì không cần phải được sự cho phép của tác giả, không vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm.

2. Quyền tài sản

  • Quyền làm tác phẩm phái sinh: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định tại Khoản 3 Điều 20, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung năm 2022. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
  • Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
  • Quyền sao chép tác phẩm: là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.
  • Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm: là việc  chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
  • Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng: là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng thông qua phương tiện kỹ thuật nhất định.
  • Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính: Để khai thác hiệu năng kinh tế, chủ sở hữu quyền tác giả có thể cho người khác thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm để khai thác, sử dụng có thời hạn

III. Dịch vụ pháp lý hỗ trợ bản quyền của Công ty CP Phát triển bản quyền Việt Nam

Với đội ngũ chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm, chúng tôi tự tin trong việc hỗ trợ Khách hàng trong lĩnh vực bản quyền. Với phương châm luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng, Bản quyền Việt Nam cố gắng và đảm bảo hỗ trợ Khách hàng và triển khai công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, thường xuyên báo cáo tiến trình vụ việc cũng như đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo để Khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả công việc. Khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi.

Trên đây là bài viết “Nội dung quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng!