Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (còn được gọi là Công ước Berne) được ký tại Berne (Thụy Sĩ) năm 1886 và là công ước đầu tiên trên thế giới thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Công ước hiện nay có trên 180 quốc gia là thành viên trong đó có Việt Nam. Là thành viên của Công ước, Việt Nam đã từng bước nghiên cứu và ban hành các quy định về Sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu về nội dung mà Công ước này đặt ra cho các Quốc gia thành viên. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ một số điểm tương thích trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam với nội dung Công ước Berne.

1. Nội dung cơ bản của Công ước Berne

Thứ nhất, Công ước đã quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ tương đối đầy đủ và toàn diện, mang tính chất bao quát. Theo đó, các tác phẩm được chia thành 3 nhóm sau đây:

–    Các tác phẩm gốc trong lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật không phân biệt hình thức hay phương thức biểu hiện, ví dụ như các sách, tập in nhỏ và các bài viết khác, các bài giảng, tác phẩm kịch, bản nhạc, đồ họa, kiến trúc…

–    Các tác phẩm phái sinh miễn là tác phẩm này không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc: VD như tác phẩm dịch, mô phỏng…

–    Các tuyển tập các tác phẩm văn học và nghệ thuật (các hợp tuyển, bộ bách khoa từ điển) nếu được chọn lọc và sắp xếp theo một nội dung nào đó để tạo nên một tác phẩm sáng tạo.

Công ước cũng cho phép các quốc gia có quyền quy định bảo hộ hoặc không bảo hộ khi tác phẩm chưa được ấn định trên một hình thái vật chất và cách thức bảo hộ riêng với các văn bản lập pháp, hành pháp, tư pháp. Công ước không bảo hộ những tin tức hàng ngày, số liệu vụn vặt mang tính chất thông tin báo chí vì không phải là kết quả hoạt động sáng tạo.

Thứ hai, Công ước cũng đã quy định về điều kiện được bảo hộ. Theo đó các tác phẩm được bảo hộ thông thường sẽ phải thỏa mãn ít nhất một trong hai tiêu chí sau :

–    Tiêu chí quốc tịch tác giả: Tác giả phải mang quốc tịch của một trong những nước thành viên của liên hiệp Berne hoặc có nơi cư trú thường xuyên tại một trong những nước thành viên của Liên hiệp Berne.

–    Tiêu chí nơi công bố tác phẩm lần đầu tiên: Tác phẩm phải được công bố lần đầu tiên tại một trong những quốc gia thành viên của Liên hiệp hoặc đồng thời tại một quốc gia trong và ngoài Liên hiệp.

Thứ ba, Công ước quy định những quyền được bảo hộ bao gồm quyền tài sản (economic right) và quyền nhân thân (moral rights). Các quyền tài sản bao gồm quyền dịch, sao chép, phóng tác, trình diễn công cộng, trần thuật công cộng và truyền thông công cộng. Quyền nhân thân bao gồm quyền đứng tên tác giả và quyền phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm của tác giả.

Thứ tư, Công ước quy định thời hạn chung bảo hộ quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời. Trong trường hợp là đồng tác giả, thời hạn bảo hộ sẽ được tính đến 50 năm sau khi đồng tác giả cuối cùng qua đời. Đối với các quốc gia thành viên Liên hiệp bị ràng buộc bởi Đạo luật Rome của Công ước Berne mà vào thời điểm tham gia ký kết đạo luật này, quy định trong quốc gia hiện hành, thời hạn bảo hộ ngắn hơn quy định tại Công ước Berne thì nước đó có thể giữ thời hạn ngắn hơn khi tham gia hoặc phê chuẩn Đạo luật này. Công ước cũng dành quyền cho mỗi quốc gia thành viên trong việc quy định thời hạn bảo hộ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật có thể dài hơn so với thời hạn nêu trong Công ước nhưng không vượt quá thời hạn bảo hộ tại quốc gia gốc của tác phẩm, nếu quốc gia không có quy định khác. Mốc thời hạn được tính từ ngày mồng 1 tháng giêng năm tiếp theo sau cái chết của tác giả hay sự kiện được quy định trong Công ước Berne.

2.       Một số điểm tương thích giữa Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam với Công ước Berne

Việt Nam đã gia nhập công ước Berne ngày 26/10/2004. Ngay sau đó, Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2005, luật bắt đầu có hiệu lực vào năm 2006. Việt Nam đã xây dựng một cơ chế chặt chẽ để bảo vệ quyền tác giả cả ở trong nước và ngoài nước. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có một số điểm tương thích với Công ước Berne như sau:           

  • Về tiêu chuẩn bảo hộ

Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đều cùng quy định bảo hộ các tác phẩm được sáng tạo và phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không bảo hộ ở dạng ý tưởng. Các tác phẩm được bảo hộ với bất kể nội dung, chất lượng, hình thức thể hiện, phương tiện truyền tải và ngôn ngữ nào.

  • Về đối tượng được bảo hộ

Tất cả các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học đều là đối tượng bảo hộ được quy định trong Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Các đối tượng được bảo hộ có thể là: Sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng, tác phẩm văn học, tác phẩm kiến trúc, sơ đồ, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu…Tuy nhiên, khác với Công ước Bern không quy định về các đối tượng không được bảo hộ, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định tại Điều 15 về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, bao gồm: tin tức thời sự thuần túy đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

  • Về thời điểm phát sinh quyền tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam tuân theo nguyên tắc bảo hộ tự động (hay còn gọi là bảo hộ đương nhiên) đã được ghi nhận trong Công ước Bern. Theo đó, quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký quyền tác giả và việc đã công bố tác phẩm hay chưa.

  • Về giới hạn quyền tác giả và quyền liên quan

Các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Điều 25, Điều 25a, Điều 26, Điều 32 và Điều 2 hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 10 và Điều 10 (bis) của Công ước Bern.

Công ước Bern cho phép trích dẫn tác phẩm từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn; cho phép sử dụng tác phẩm để minh họa phục vụ giảng dạy; cho phép in lại trên báo chí, phát trên sóng hoặc thông tin đường dây những bài báo có tính chất thời sự về kinh tế, chính trị hay tôn giáo đã đăng tải trên báo chí hoặc tập san, hoặc các tác phẩm đã phát sóng có tính chất tương tự đối với những tác phẩm mà tác giả không đích danh giữ bản quyền, với điều kiện phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cụ thể hóa những quy định về giới hạn quyền tác giả trong Công ước Bern trong Điều 25, Điều 25a và Điều 26 bằng cách liệt kê các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Đối với quyền liên quan, tại Điều 32 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật đã liệt kê rõ ràng các trường hợp sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về bản ghi âm, ghi hình. Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam đã tiếp thu tinh thần được ghi nhận tại công ước, phát triển thêm những quy định rất chi tiết về giới hạn quyền tác giả và quyền liên quan mà hoàn toàn không vượt ra ngoài khuôn khổ của Công ước Bern.

  • Về việc thực thi các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan

Pháp luật Việt Nam hiện đang áp dụng ba phương thức là dân sự, chế tài hành chính và chế tài hình sự để bảo đảm thực thi pháp luật, được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật hình sự. Các biện pháp cụ thể bao gồm: biện pháp khẩn cấp tạm thời, bồi thường thiệt hại, tịch thu và tiêu huỷ tang vật, kiểm soát hàng giả tại biên giới, phạt tiền, hình phạt tù.

Trong khi đó, theo quy định của Công ước Bern, (i) quốc gia thành viên của công ước có thể tịch thu bản sao nhập khẩu của tác phẩm âm nhạc không được tác giả cho phép (Điều 13);  (ii) Chính phủ của quốc gia thành viên có quyền kiểm soát sự lưu thông, trình bày và triển lãm tác phẩm bằng các biện pháp thuộc lập pháp hay hành pháp của quốc gia đó mà quy định của công ước này không được phép vi phạm quyền nêu trên dưới bất kỳ hình thức nào(Điều 17); và (iii) Công ước Bern cũng cho phép quốc gia thành viên thiết lập sự bảo hộ lớn hơn so với sự bảo hộ của Công ước (Điều 19). Bởi vậy, những quy định về việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan của pháp luật Việt Nam không mâu thuẫn với nội dung của Công ước Bern.

Nhìn chung, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam có sự thống nhất với các quy định của Công ước Berne. Điều này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của pháp luật Việt Nam.

Trên đây là bài viết “Một số điểm tương thích của luật sở hữu trí tuệ Việt Nam với Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng.