Không ít nhà thơ cảm thấy vui mừng khi tác phẩm của mình được phổ nhạc. Từ sự “kết giao” này nhiều bài hát được ra đời, trở thành những ca khúc được nhiều khán giả yêu thích. Tuy nhiên, trước khi các nhạc sĩ phổ nhạc vào những bài thơ, họ có cần sự chấp thuận của tác giả bài thơ đó hay không và có phải trả tiền bản quyền cho họ không? Mời bạn đọc theo dõi bài viết của VCD để biết thêm thông tin.

1. Bài hát phổ nhạc từ thơ là gì? Có phải tác phẩm phái sinh không?

Trong văn chương Việt Nam vốn giàu nhạc tính với âm thanh trầm bổng nên lẩn trong thơ là nhạc. Các loại văn vần trong văn chương nước ta như lục bát, song thất lục bát, hát nói đều đi đôi với ngâm vịnh, xướng hát. Những điệu dân ca như hát ru, hò cũng hay mượn ca dao làm lời.

Do đó, phổ nhạc là nghệ thuật dựa theo lời và ý của bài thơ mà viết thành bài nhạc. Dựa trên lời thơ, bằng sự rung cảm nghệ thuật, các nhạc sĩ không ngừng sáng tạo nên sức sống cho âm nhạc. Điều dễ nhận thấy, các nhạc sĩ khá trung thành với nguyên bản, tên bài thơ đồng thời là tên ca khúc. Nhạc sĩ thường bắt được cái hồn của thơ, không lấy nguyên mẫu từng câu từng chữ, mà chọn lựa sử dụng những câu, những đoạn phù hợp với ý tưởng của mình.

Theo Khoản 8 Điều 4 Luật SHTT “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Vậy, tác phẩm nhạc phổ thơ là tác phẩm phái sinh và được bảo hộ theo quy định của pháp luật khi và chỉ khi việc phổ nhạc vào thơ không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc.

2. Có phải xin phép và trả tiền thù lao cho nhà thơ khi phổ nhạc vào thơ không?

Theo quy định của luật SHTT, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Mà quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật SHTT bao gồm:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

Vậy nên việc phổ nhạc vào thơ để sáng tạo nên tác phẩm mới cần có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm gốc thì mới được làm, đồng thời, phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả của bài thơ.

Trên đây là bài viết “Nhạc sĩ sáng tác bài hát được phổ nhạc từ thơ có phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả bài thơ hay không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,