Đọc tin tức từ trước tới nay luôn là món ăn tinh thần của người dân Việt. Theo thời gian và cùng với sự phát triển của thời đại, tin tức trên các tờ báo dần được chuyển hóa thành các trang web giúp người đọc dễ dàng truy cập và nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là một thực trạng nhức nhối khi nhiều bài báo ngày nay thường xuyên bị xâm phạm quyền tác giả như: sao chép, ăn cắp chất xám…Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tác phẩm báo chí là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Vậy mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí cần lưu ý những vấn đề gì mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD.
1. Tác phẩm báo chí là gì
Theo khoản 7 Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Báo chí hiện hành: “Tác phẩm báo chí là đơn vị cấu thành nhỏ nhất của sản phẩm báo chí, có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, gồm tin, bài được thể hiện bằng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh.”
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có quy định như sau: “Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.”
Mỗi tác phẩm nói chung và tác phẩm báo chí nói riêng đều được tạo nên từ chính tâm huyết, sự sáng tạo và thể hiện được những giá trị tinh thần cốt lõi của con người. Vì vậy mà loại hình tác phẩm này trở thành một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Căn cứ phát sinh quyền tác giả
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Dựa theo quy định này, quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm báo chí được ra đời và đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Có nghĩa là tác phẩm báo chí đó được lưu lại dưới bất kỳ hình thức, phương tiện, ngôn ngữ nào, dù đã được công bố hay chưa công bố, đã được đăng ký quyền tác giả hay chưa được đăng ký thì đều phát sinh quyền tác giả. Như vậy, sự xuất hiện của tác phẩm chính là căn cứ phát sinh quyền tác giả và quyền này cần được tôn trọng, bảo vệ.
3. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Để đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu tương ứng tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan). Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên. Tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Tờ khai cần có tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả:
01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả và 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
- Với tác phẩm viết: 02 quyển trên giấy A4 có đánh số trang và chữ ký của tác giả vào từng trang hoặc dấu giáp lai công ty;
- Với chương trình máy tính: 02 bản in mã nguồn + giao diện phần mềm trên giấy A4 + 02 đĩa CD có nội dung mã nguồn và giao diện trên đó;
- Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: 02 bản in trên giấy A4 tác phẩm có chữ ký hoặc dấu của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
- Đối với tác phẩm âm nhạc: 02 bản in phần nhạc + lời hoặc bản ghi âm (thu âm) trong trường hợp đã ghi âm;
- Đối với tác phẩm kiến trúc: 02 bản vẽ trên giấy A3
- Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
Tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt, trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thì tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí sẽ là mẫu số 01.
Đối với tác phẩm báo chí, khi đăng ký quyền tác giả thì tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm phải ghi đúng thông tin về tác phầm như tên tác phẩm, ngày tháng năm hoàn thành tác phẩm, công bố tác phẩm… và quan trọng là nội dung chính của tác phẩm.
Ở phần nội dung chính của tác phẩm thì tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm báo chí đó cần nêu tóm tắt những nội dung chính của tác phẩm, cũng như ghi rõ số phần, số trang của tác phẩm. Một lưu ý ở đây là tên tác phẩm trong tờ khai và tên tác phẩm trong bản in thuyết minh cần phải trùng nhau.
Bên cạnh đó, các thông tin về tác giả, thông tin về chủ sở hữu quyền tác giả, cơ sở phát sinh sở hữu quyền, bên được ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký (nếu có) phải chính xác và trùng khớp với các văn bản nộp cùng hồ sơ.
Trên đây là bài viết: “Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.