Âm nhạc hiện nay là một trong những phương tiện giải trí, giúp cho con người giải tỏa căng thẳng, lo lắng, nó cũng là một cách giúp con người phát triển cảm xúc và học hỏi được nhiều điều qua những giai điệu, lời bài hát. Đây là loại hình tác phẩm rất dễ bị sao chép, sử dụng trái pháp luật. Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Vậy mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc cần lưu ý những vấn đề gì mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD.
1. Tác phẩm âm nhạc là gì
Tác phẩm âm nhạc là một tác phẩm được tạo ra và thể hiện qua âm nhạc. Đây là một loại tác phẩm nghệ thuật, do nhạc sĩ hoặc nhóm nhạc sĩ sáng tác và trình diễn. Tác phẩm âm nhạc có thể được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc, hoặc truyền đạt qua các ký tự âm nhạc khác (ví dụ: hợp âm, tab guitar). Ngoài ra, tác phẩm âm nhạc cũng có thể được ghi lại và phát hành dưới dạng bản ghi âm, cho phép người nghe tận hưởng và trải nghiệm âm nhạc qua các phương tiện truyền thông.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở Hữu trí tuệ 2005 thì tác phẩm âm nhạc là một trong các loại hình tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ quyền tác giả.
Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì “Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.”
Tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả kể từ thời điểm tác phẩm được tạo ra dưới hình thức có thể ghi nhận được ở dạng vật chất, hình thức ghi nhân có thể là trên giấy, đánh máy hoặc một hình thức ghi nhận khác, Như vậy, khi nhạc sĩ chỉ mới suy nghĩ lời nhạc ở trong đầu mà chưa thể hiện ở hình thức vật chất, thì bài nhạc chưa được quyền tác giả bảo hộ.
2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Để đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu như sau:
Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc (theo mẫu số 04 tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan):
– Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên. Tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Tờ khai cần có tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
– Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả:
– 01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả và 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Đối với tác phẩm âm nhạc: 02 bản in phần nhạc + lời hoặc bản ghi âm (thu âm) trong trường hợp đã ghi âm.
– Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
– Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
Tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt, trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng hoặc chứng thực.
3. Lưu ý khi điền Tờ khai Đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Tại mục (1) Trường hợp Tờ khai đăng ký quyền tác giả cho cá nhân, ký nháy từng trang Tờ khai; trường hợp Tờ khai đăng ký quyền tác giả cho tổ chức, đóng dấu giáp lai Tờ khai.
Tại mục (2) Phát hành bản sao để phổ biến tới công chúng như xuất bản, ghi âm, ghi hình, in ấn, đăng tải lên mạng viễn thông, mạng Internet và các hình thức khác.
Tại mục (3) Cam đoan: Nội dung tác phẩm do tác giả/đồng tác giả sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của người khác, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với những tác phẩm chứa nội dung liên quan tới chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục, sức khỏe, danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, thì phải cam đoan: không có nội dung, hình ảnh vi phạm, không xuyên tạc, không gây ảnh hưởng tới các vấn đề này.
Tại mục (4)
4.1. Khai đầy đủ các đồng tác giả (nếu có) và nêu rõ vai trò của từng đồng tác giả trong sáng tạo tác phẩm;
4.2. Trường hợp tác giả đã chết, ghi rõ năm tác giả chết tại mục này.
Tại mục (5), mục (7) Khai đầy đủ các đồng chủ sở hữu quyền tác giả, nếu có.
Tại mục (6) Khai đầy đủ các đồng tác giả, nếu có.
Tại mục (8) Trường hợp đăng ký cho tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả thì tác giả là người ký tên trên Tờ khai.
Trường hợp đăng ký cho chủ sở hữu quyền tác giả thì chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu quyền tác giả là người ký tên và đóng dấu (trong trường hợp là tổ chức) trên Tờ khai.
Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả/đồng chủ sở hữu quyền tác giả thì phải có chữ ký của tất cả các đồng tác giả/đồng chủ sở hữu quyền tác giả. Tờ khai có thể do một trong số các đồng tác giả/đồng chủ sở hữu quyền tác giả ký tên nếu có văn bản ủy quyền của các đồng tác giả/đồng chủ sở hữu quyền tác giả còn lại theo quy định của pháp luật.