Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông ta thường xuyên bắt gặp những bản nhạc được phối khí, hòa âm (remix) theo xu hướng thị trường âm nhạc thu hút được nhiều giới trẻ, cộng đồng mạng. Remix nhạc có thể mang đến sự độc đáo và sáng tạo, tạo ra phiên bản mới của một bài hát đã tồn tại.Tuy nhiên, những bản remix như vậy có vi phạm bản quyền hay không? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Remix nhạc là gì
Từ remix trong Tiếng Anh có nghĩa là phối lại, do đó có thể hiểu nhạc remix là nhạc được phối khí lại, làm lại từ bản nhạc gốc. Tùy theo cách cảm nhạc của người remix mà một vài yếu tố trong bản nhạc gốc sẽ bị thay đổi hoặc thêm bớt như thay đổi tốc độ bản nhạc, thay đổi về cường độ, cao độ, hay sự cân bằng hoặc thời gian của bản nhạc… Hoặc thậm chí bản nhạc sẽ được phối lại hầu hết các thành phần âm nhạc.
Không có tiêu chuẩn chung nào cho thể loại nhạc remix mà hoàn toàn phụ thuộc vào cách cảm nhận và phong cách âm nhạc của nghệ sĩ remix, điều đó dẫn đến một bản nhạc gốc có thể có vô số các phiên bản remix khác nhau. Đặc điểm chung nhất của nhạc remix có lẽ là giai điệu được cải biên trẻ trung hơn, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.
Như vậy, remix nhạc được coi là tác phẩm phái sinh của bản nhạc gốc là quá trình phối khí lại một bản nhạc gốc nhằm đáp ứng mục đích của người nghệ sĩ, tạo ra một phiên bản mới với chất lượng cao hơn. Thường thì các bản nhạc gốc được remix sẽ được phát nhiều tại các quán bar, câu lạc bộ đêm, các chương trình radio… điều này giúp bài hát gốc được nhiều khán giả biết đến và trở nên phổ biến hơn. Khi các bản nhạc cũ, xưa được remix, chúng dễ dàng được giới trẻ tiếp cận và đón nhận, mang đến một cảm xúc mới mẻ cho người nghe. Đồng thời, việc remix cũng tạo cơ hội để những bản nhạc cổ được sống lại và duy trì sự tồn tại của chúng.
2. Remix nhạc có bị vi phạm bản quyền không?
Tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả đồng thời theo quy định Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định về quyền tài sản của tác giả như sau:
Điều 20. Quyền tài sản
Quyền tài sản bao gồm:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
…
Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của Luật này.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây:
a) Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Theo đó, việc tạo ra tác phẩm phái sinh thuộc quyền tài sản của tác giả.
Mặt khác, tại quy định Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, xâm phạm quyền tài sản là một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Do đó, việc remix lại một bài hát có thể được xem là một tác phẩm phái sinh, thuộc vào quyền tài sản được bảo hộ của tác giả nên khi remix lại bài hát cần phải có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền cũng như các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp:
- Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện các hành vi theo quy định;
- Thuộc trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả;
- Thuộc trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật;
- Thuộc trường hợp giới hạn quyền tác giả;
- Thuộc trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan;
- Thuộc trường hợp giới hạn quyền liên quan.
Như vậy, khi tổ chức, cá nhân thuộc các trường hợp nêu trên, thì không bị xem là xâm phạm quyền tác giả.
- Xử phạt đối hành vi remix nhạc không xin phép
Trách nhiệm hành chính
Theo Điều 10 Nghị định 28/2017/NĐ-CP và khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm tác phẩm được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây hại cho danh dự và uy tín của tác giả.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây hại cho danh dự và uy tín của tác giả.
Ngoài ra, có các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc phải chỉnh sửa công khai thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông công cộng về hành vi vi phạm.
- Buộc phải xóa bỏ bản sao tác phẩm vi phạm trên môi trường mạng và các nền tảng kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tài sản vi phạm đối với hành vi vi phạm.
Trách nhiệm dân sự
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ như sau:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.