Vấn đề bản quyền hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam.Tại Việt Nam, có nhiều trường hợp vi phạm bản quyền trong quảng cáo đã được ghi nhận, chẳng hạn như sử dụng một bài hát nổi tiếng trong video quảng cáo mà không có sự cho phép của tác giả hay sử dụng hình ảnh hoặc logo của một thương hiệu khác mà không có sự đồng ý, dẫn đến vi phạm quyền nhãn hiệu. Do đó việc hiểu rõ quy định của pháp luật Sở hữu Trí tuệ về bản quyền âm nhạc trong chương trình quảng cáo là cần thiết. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề này.

1. Khái niệm bản quyền âm nhạc trong chương trình quảng cáo

Bản quyền âm nhạc theo quy định của Luật sở hữu Trí tuệ là quyền của tác giả đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Quảng cáo là hình thức truyền thông để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hoặc thương hiệu đến khách hàng mục tiêu. Âm nhạc thường được sử dụng trong quảng cáo để tạo ấn tượng và tăng cường hiệu quả truyền tải thông điệp.

Như vậy, bản quyền âm nhạc trong chương trình quảng cáo là việc sử dụng hợp pháp các tác phẩm âm nhạc (như bài hát, bản nhạc) trong các nội dung quảng cáo, đồng thời tuân thủ các quy định về quyền tác giả. Việc này đòi hỏi các nhà sản xuất quảng cáo phải xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền cho các tác giả, nhạc sĩ, và nhà sản xuất âm nhạc thông qua các tổ chức quản lý quyền tác giả.

Bản quyền âm nhạc trong chương trình quảng cáo

2. Quy định của pháp luật về bản quyền âm nhạc trong chương trình quảng cáo

Theo quy định tại Điều 26. Giới hạn quyền tác giả Luật Sở hữu Trí tuệ quy định như sau:

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:

a) Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ;

b) Trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm này.

Khi các tổ chức phát sóng mà phát sóng các chương trình quảng cáo, thì sẽ không cần phải xin phép, nhưng cần phải trả tiền nhuận bút hoặc trả thù lao, việc tiến hành sẽ như sau:

Trường hợp 1: Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thoả thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật;

Trường hợp 2: Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng sử dụng các lời bài hát không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Có một số trường hợp trong quảng cáo được miễn phí bản quyền, nếu như tác phẩm được sử dụng trong quảng cáo đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản (thông thường là 50 năm sau khi tác giả qua đời), thì tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép và trả tiền bản quyền, tuy nhiên vẫn cần nêu tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm được sử dụng trong quảng cáo.

Nếu một quảng cáo sử dụng hình ảnh, âm thanh, video được cung cấp bởi một bên thứ ba, doanh nghiệp cần yêu cầu bên thứ ba đó cung cấp các văn bản chứng minh quyền này, ví dụ như hợp đồng ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, hợp đồng sử dụng tác phẩm… trong đó ghi nhận bên thứ ba có quyền cho phép chủ thể khác sử dụng tác phẩm.

Một số trường hợp quảng cáo sử dụng một tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu bản quyền, nhưng lại không có lợi nhuận kinh doanh từ việc đó. Việc này không thuộc các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, trường hợp này vẫn bị coi là xâm phạm quyền tác giả.

Ngoài ra, trường hợp một doanh nghiệp sử dụng các tác phẩm sáng tạo như một phần của chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp phải xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, nếu không sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản.

Do đó, VCD thấy rằng việc tuân thủ các quy định về bản quyền âm nhạc trong quảng cáo không chỉ bảo vệ quyền lợi của các tác giả mà còn giúp bạn tránh các rủi ro pháp lý. Điều này đảm bảo rằng âm nhạc được sử dụng trong quảng cáo mang lại hiệu quả tốt nhất và tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ.