Thực trạng bản quyền với các tác phẩm âm nhạc không rõ tác giả hiện nay rất phức tạp. Do thiếu thông tin về tác giả, nhiều người sử dụng các tác phẩm này một cách tự do, dẫn đến tranh chấp về quyền sở hữu và thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả. Điều này gây thiệt hại cho các tác giả (nếu được xác định), các tổ chức quản lý bản quyền và cả những người sử dụng tác phẩm. Do vậy cần thiết phải nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Như thế nào là tác phẩm âm nhạc không rõ tác giả?

Theo Nghị định 17/2023/ND-CP và quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt nhạc trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc không rõ tác giả là vấn đề pháp lý liên quan đến việc xác định và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm âm nhạc mà người sáng tạo không được ghi rõ hoặc không thể xác định được.

Do đó một tác phẩm âm nhạc được coi là không rõ tác giả khi:

  • Không có thông tin tác giả: khong tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về người sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc.
  • Tác giả không xác định: có nhiều người cùng nhận mình là tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm hoặc thông tin về tác giả mâu thuẫn.
  • Tác giả đã mất và không có người thừa kế hợp pháp: quyền tác giả không được chuyển giao cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc không rõ tác giả

2. Quy định pháp luật về bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc không rõ tác giả

Hiện nay pháp luật chưa có quy định bắt buộc rằng tác giả phải đưa ra bằng chứng chứng minh họ là tác giả của một tác phẩm âm nhạc khi họ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền hoặc ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền quản lý. Việc họ có thực sự là tác giả hay không dựa vào cam kết của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm với chủ thể liên quan là Cục bản quyền tác giả và các tổ chức tập thể quyền. Tuy nhiên họ phải chứng minh mình thực sự là tác giả/chủ sở hữu bài hát khi có bằng chứng chống lại họ. Điều này có nghĩa là họ chỉ phải đưa ra các căn cứ, bằng chứng để chứng minh khi xảy ra tranh chấp, xung đột về quyền sở hữu đối với tác phẩm đó.

Do vậy dẫn đến cộng đồng mạng dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt. Bởi lẽ trên thực tễ có nhiều bài hát nổi tiếng nhưng đã tồn tại từ xa xửa không rõ ai là tác giả hoặc các tác giả không chuyên nghiệp không biết rõ cách thu phí và giá trị to lớn mà phí bản quyền âm nhạc đem lại cho họ. Thêm vào đó nếu bất kỳ ai cũng có thể ủy quyền thu tác quyền âm nhạc mà không cần bằng chứng dẫn đến trường hợp mạo danh tác giả để trục lợi rất dễ xảy ra, ngang nhiên thu tiền tác quyền từ bài hát đó cho tới khi tác giả thực sự của bài hát lên tiếng.

Trên các nền tảng số hóa hiện nay còn tồn tại những cá nhân, đơn vị lạm dụng chính sách của các nền tảng này để “nhận vơ” các tác phẩm đó là tác phẩm của mình nhằm trục lợi cho bản thân về tiền bản quyền.

Các nhà sáng tạo nội dung khi sử dụng tác phẩm âm nhạc tạo ra bản ghi âm mới đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Bởi việc sử dụng tác phẩm của người khác nhằm mục đích thương mại phải có sự đồng ý của tác giả vì thế xin phép được coi là nghĩa vụ bắt buộc. Ngoài ra chủ sở hữu kênh sẽ phải trả phí tác quyền cho tác giả thoe thỏa thuận giữa hai bên, thỏa thuận phải rõ ràng tỷ lệ tiền bản quyền được hưởng, hình thức thanh toán, thời gian chi trả… Nếu trong trường hợp tác phẩm đã đăng tải từ lâu mà sau này mới bị phát hiện thì tác giả hoặc bên được ủy quyền quản lý có thể yêu cầu truy thu.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 17/2023/ND-CP thì tổ chức cá nhân muốn sử dụng tác phẩm phải chứng minh bản thân, đơn vị đã nổ lực tìm kiếm tác giả nhưng không có kết quả. Sau khi hồ sơ được thông qua Nhà nước sẽ là đại diện quản lý tác quyền tác giả, quyền liên quan đến tác phẩm đó. Đồng thời tổ chức cá nhân được chấp thuận hồ sơ phải nộp tiền bản quyền và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng tác phẩm đó như thế nào.

Đối với tiền phí bản quyền mà các tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm sẽ phải nộp vào một tài khoản chung cho các chủ thể quyền không thể tìm thấy hoặc không liên hệ được. Sau 5 năm, nếu vẫn không tìm được tác giả thì khoản tiền đã thu này sẽ được sử dụng vào các hoạt dộng khuyến khích sáng tạo, tuyên truyền và đẩy mạnh thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật sau khi trừ đi các chi phí quản lý, tìm kiếm theo quy định của pháp luật.

VCD thấy rằng việc hiểu rõ quy định bản quyền đối với các tác phẩm âm nhạc không rõ tác giả là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các tác giả, nếu được xác định, mà còn là chìa khóa để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức quản lý bản quyền, tránh vi phạm pháp luật và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc.