Vấn đề quyền tác giả liên quan đến việc sử dụng âm nhạc trong các lớp dạy nhảy và tập thể dục hiện nay rất phổ biến. Các trung tâm dạy nhảy thường lựa chọn những bài hát mới và đang thịnh hành để biên đạo động tác, nhằm tạo ra không khí sôi động và hứng khởi cho học viên. Âm nhạc không chỉ là nền tảng cho các bài tập mà còn là yếu tố quyết định thu hút khách hàng, khuyến khích họ đầu tư vào dịch vụ của trung tâm. Vậy việc sử dụng âm nhạc như thế có bị vi phạm bản quyền hay không? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Bản quyền âm nhạc trong các trung tâm dạy nhảy là gì?
Bản quyền là quyền của tác giả đối với các tác phẩm mà họ sáng tạo ra, được bảo vệ ngay từ thời điểm tác phẩm được tạo ra. Quyền này bao gồm quyền quản lý, sử dụng và khai thác giá trị của tác phẩm. Các cá nhân hoặc tổ chức khác không được phép xâm phạm vào các quyền này nếu chưa được sự đồng ý của tác giả. Bản quyền nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả, ngăn chặn việc sao chép và sử dụng trái phép tác phẩm của họ.
Âm nhạc là một trong những nguồn giải trí tối ưu và không thể thiếu của con người. Các trung tâm dạy nhảy sử dụng âm nhạc với nhiều mục đích để nâng cao chất lượng giảng dạy và trải nghiệm học tập của học viên. Âm nhạc tạo không khí sôi động, giúp học viên tập trung và hòa mình vào buổi học. Nhạc có nhịp điệu rõ ràng hỗ trợ hướng dẫn động tác, rèn luyện kỹ năng nhịp điệu và phối hợp. Nó cũng tăng cường sự tập trung, truyền cảm hứng và động lực, giúp học viên vượt qua khó khăn. Cuối cùng, âm nhạc khuyến khích khả năng sáng tạo, cho phép học viên phát triển những động tác nhảy độc đáo và cá tính.
Theo đó, Bản quyền âm nhạc trong các trung tâm dạy nhảy là quyền pháp lý bảo vệ việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong quá trình giảng dạy và biểu diễn. Quyền này bao gồm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả và nhà sản xuất đối với các bài hát, bản nhạc và giai điệu, đảm bảo rằng việc sử dụng các tác phẩm này phải được thực hiện với sự đồng ý và giấy phép hợp pháp từ các tổ chức quản lý bản quyền.
2. Quy định của pháp luật về bản quyền âm nhạc trong các trung tâm dạy nhảy
Các trung tâm dạy nhảy sử dụng âm nhạc với nhiều mục đích khác nhau đặc biệt là thường xuyên sử dụng các hài hát “hit” trong các vũ đạo, tạo cảm giác hiện đại và năng động. Điều này tạo cho trung tâm ấn tượng tốt cho các học viên về việc trung tâm luôn cập nhật xu hướng tạo cảm giác hứng thú cho học viên. Tuy nhiên, việc sử dụng những bài hát mới nổi cũng sẽ đi kèm với một số vi phạm bản quyền mà thường các trung tâm sẽ không để ý đến.
Theo Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ quy định về khái niệm tác phẩm âm nhạc như sau: tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác nhau hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình bày hay không trình diễn là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và người trình bày tác phẩm đó được bảo hộ quyền liên quan.
Theo đó, nếu muốn sử dụng các tác phẩm âm nhạc bắt buộc phải có sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trừ một số trường hợp quy định tại Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ:
- Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, giảng dạy.
- Biểu diễn tác phẩm trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới mọi hình thức.
- Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
- Trong đó có trường hợp không phải trả thù lao cũng có trường hợp phải trả thù lao, tiền nhuận bút cho tác giả người sử hữu quyền tác giả. Tuy nhiên trong bât kỳ trường hợp nào thì việc sử dụng tác phẩm âm nhạc cần phải lưu ý:
- Không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của bài hát.
- Không gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó.
- Phải ghi đầy đủ tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm âm nhạc đó.
Các trung tâm dạy nhảy sử dụng các bài hát nhằm thu hút khách hàng và khuyến khích họ chi tiền cho dịch vụ của mình được coi là một hình thức tuyên truyền có thu tiền. Theo ngôn ngữ pháp lý thì việc thu tiền này được hiểu là sử dụng tác phẩm cho mục đích thương mại, do đó việc các trung tâm dạy nhảy sử dụng tác phẩm âm nhạc để thu hút khách hàng và tạo ra lợi nhuận rõ ràng là một hoạt động thương mại. Như vậy, các trung tâm dạy nhảy sử dụng các tác phẩm âm nhạc để thu hút khách hàng và khuyến khích họ chi tiền cho dịch vụ của mình cần phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cùng các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Việc này không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với công sức sáng tạo của các nghệ sĩ và tác giả.
Nếu không tuân thủ bản quyền, các trung tâm dạy nhảy có thể đối mặt với nhiều hậu quả pháp lý nghiêm trọng, bao gồm phạt tiền nặng, kiện tụng từ chủ sở hữu bản quyền, và yêu cầu ngừng sử dụng âm nhạc vi phạm. Vi phạm còn có thể dẫn đến mất uy tín, tổn thất kinh tế do bồi thường, và hạn chế hoạt động của trung tâm. Do đó, việc tuân thủ các quy định về bản quyền là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi và danh tiếng của trung tâm.
Mặc dù hiện nay đã có các quy định về quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc, nhưng những quy định này vẫn chưa đủ cụ thể và rõ ràng, khiến việc áp dụng trở nên khó khăn và khó tiếp cận. Do đó, VCD thấy sự cần thiết phải có các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn, giúp mọi người hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật và các cách thức áp dụng hiệu quả hơn. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm dạy nhảy và các tổ chức liên quan trong việc tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các tác giả.