Trong lĩnh vực bản quyền tác giả, sự hợp tác giữa nhiều tác giả trong việc tạo ra một tác phẩm là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa đồng tác giả và đồng chủ sở hữu quyền tác giả lại phức tạp và không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vậy những trường hợp cụ thể khi có đồng tác giả nhưng không đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thì đăng ký quyền tác giả như thế nào. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.

  1. Khái niệm đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả?

Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ thì tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 17/2023 chủ sở hữu quyền tác giả quy định chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Do đó, đồng chủ sở hữu quyền tác giả là hai hay nhiều cá nhân hoặc tổ chức thỏa mãn điều kiện trên có quyền sở hữu chung đối với tác phẩm.

2. Các trường hợp có đồng tác giả nhưng không đồng thời là đồng chủ sở hữu.

Trường hợp 1: Hai hoặc nhiều tác giả cùng nhau tạo ra tác phẩm  nhưng chỉ thỏa thuận hoặc xác định một trong số đồng tác giả đứng tên chủ sở hữu quyền tác giả bằng văn bản thỏa thuận nêu các điều khoản về sở hữu, phân chia lợi nhuận,…

Trường hợp 2: Hai hoặc nhiều tác giả cùng sáng tạo tác phẩm theo quyết định/ xác nhận giao việc, giao nhiệm vụ của công ty mà tác giả là nhân viên thuộc công ty thì trên Giấy chứng nhận sẽ có tên các đồng tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là công ty đó.

Trường hợp 3: Hai hoặc nhiều tác tác giả được thuê sáng tạo tác phẩm theo Hợp đồng thuê sáng tạo, có trả phí hoặc theo thỏa thuận các bên thì chủ sở hữu sẽ thuộc về cá nhân hoặc công ty thuê sáng tạo tác phẩm đó.

Trường hợp 4: Hai hoặc nhiều tác giả cùng sáng tạo tác phẩm và cùng thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu cho cá nhân hoặc tổ chức khác theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả.

Các đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân không thể chuyển dịch được luôn gắn với tác giả. Nhưng về quyền tài sản của đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu tác phẩm bị hạn chế và luôn ở thế “bị động” do tác giả không được thực hiện quyền xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm hoặc cho dịch, phóng tác, cải biến, chuyển thể để có được những lợi ích kinh tế theo quyền định đoạt ý chí của mình trừ trường hợp 1 nêu trên.

Do đó, các đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thì các đồng tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền nhân thân, các đồng chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và khoản 3 Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).

Đăng ký quyền tác giả trong trường hợp có đồng tác giả nhưng không đồng thời là đồng chủ sở hữu?

3. Hồ sơ đăng ký cho đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả.

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả trong đó ghi rõ thông tin các đồng tác giả và vai trò của từng tác giả.
  • Căn cước công dân của các đồng tác giả
  • Bản sao giấy đăng ký kinh doanh nếu cá nhân là tổ chức
  • Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả
  • Tài liệu chứng minh mình là chủ sở hữu quyền tác giả do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo được thừa kế được chuyển giao quyền.
  • Giấy ủy quyền nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được ủy quyền.
  • Bản cam đoan của các đồng tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

Lưu ý: Tài liệu phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Theo đó, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.

Trên đây là bài viết “Đăng ký quyền tác giả trong trường hợp có đồng tác giả nhưng không đồng thời là đồng chủ sở hữu?” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,