Trong nền kinh tế hiện đại, việc bảo vệ thương hiệu là rất quan trọng, đặc biệt đối với hộ kinh doanh. Logo không chỉ là biểu tượng nhận diện mà còn là tài sản trí tuệ cần được bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều chủ hộ vẫn chưa nắm rõ quy trình đăng ký bản quyền cho logo. Bài viết dưới đây của VCD sẽ cung cấp thông tin cần thiết để giúp hộ kinh doanh thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả.
1. Khái quát về Hộ kinh doanh
Hiện nay không có quy định nào định nghĩa về hộ kinh doanh.Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.
Trong đó, chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:
- Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;
- Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về pháp nhân, Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Do vậy, hộ kinh doanh không đáp ứng các điều kiện trên nên không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện và không được thực hiện các quyền mà các doanh nghiệp đang thực hiện.

2. Đăng ký bản quyền logo cho Hộ kinh doanh như thế nào?
Bản quyền, hay còn gọi là quyền tác giả, là quyền mà tác giả có đối với các tác phẩm do mình sáng tác. Quyền này được tự động phát sinh ngay khi tác phẩm được tạo ra và bảo vệ các quyền quản lý, sử dụng, và khai thác giá trị của tác phẩm.
Đăng ký tác quyền cho logo (hay còn gọi là đăng ký bản quyền logo/bản quyền tác giả cho logo) là việc cá nhân/tổ chức tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả, nhằm ghi nhận các thông tin, bảo hộ tính sáng tạo của logo do cá nhân/tổ chức đó sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Vậ Hộ kinh doanh có phải tổ chức được đăng ký bản quyền tác giả hay không?. Dựa vào phân tích ở trên có thể thấy Hộ kinh doanh có cơ cấu tổ chức nhưng không được xem là tổ chức sở hữu bản quyền logo theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ vì không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng và không được thực hiện các quyền mà các doanh nghiệp đang thực hiện.
Do đó các hồ sơ đăng ký bản quyền Hộ kinh doanh không có con dấu riêng để đóng dấu và giáp lai các giấy tờ để chứng minh mình là tổ chức sở hữu bản quyền. Vì thế khi đăng ký bản quyền cho Hộ Kinh doanh sẽ đăng ký dưới dạng cá nhân đòng nghĩa với chủ hộ kinh doanh sẽ là chủ sở hữu bản quyền logo. Chủ hộ kinh doanh sau đó có thể soạn văn bản đồng ý cho Hộ kinh doanh sử dụng bản quyền logo.
Thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho logo
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2023/QĐ-BVHTT.;
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả (bao gồm cả bản điện tử);
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do thuê thiết kế, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
- Văn bản ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải ghi cụ thể thông tin liên hệ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; tên tác phẩm; phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung;
- Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần lưu ý yêu cầu đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Điều 43 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
- Bản sao tác phẩm phải được thể hiện rõ ràng trên khổ giấy A4 thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm;
- Trường hợp tác phẩm có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt; có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập;
- Tác phẩm có nội dung liên quan tới y khoa, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù khác cần có văn bản, giấy tờ xác nhận, thẩm định, phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trên đây là bài viết “Đăng ký bản quyền logo cho Hộ kinh doanh” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,