Ngày nay, khi xây dựng thương hiệu, người ta không chỉ tập trung đầu về mặt hình ảnh mà còn đầu tư cả về mặt âm thanh. Âm thanh này đại diện cho bản sắc và giá trị của doanh nghiệp, kết hợp với hình ảnh để trở thành bộ nhận diện thương hiệu trên thị trường, ví dụ như âm thanh tiếng mở nắp của Coca Cola hay “I’m lovin’ it” của McDonald’s. Vậy, âm thanh nhận diện thương hiệu là gì và liệu có được bảo hộ quyền tác giả hay không?
1. Âm thanh nhận diện thương hiệu là gì?
Âm thanh nhận diện thương hiệu là âm thanh đặc trưng được các thương hiệu sử dụng để củng cố nhận thức về thương hiệu của người tiêu dùng, còn được gọi là logo âm thanh (audio logo). Âm thanh nhận diện thương hiệu thường ngắn gọn, dễ nhận biết và dễ nhớ, ví dụ như âm thanh đọc khẩu hiệu thương hiệu, một giai điệu ngắn, âm thanh đặc trưng của sản phẩm,… Thương hiệu sử dụng âm thanh đặc trưng với chủ ý giúp khán giả liên kết những âm thanh đó với thương hiệu của họ. Không cần phải nhìn hình ảnh logo, chỉ cần mọi người nghe được âm thanh đó và họ sẽ liên tưởng ngay đến thương hiệu.
Âm thanh độc quyền để nhận diện thương hiệu tạo nên sự riêng biệt và lợi thế cạnh tranh với các đối thủ khác. Nhiều thương hiệu đã bỏ công sức, tiền bạc để đầu tư phát triển, xây dựng âm thanh nhận diện thương hiệu đặc sắc, mang đặc trưng riêng của thương hiệu. Ví dụ, Mastercard đã làm bản phối âm thanh nhận diện thương hiệu tại thị trường Việt Nam, sử dụng các nhạc cụ truyền thống như sáo, đàn bầu, đàn tranh của Việt Nam; Shopee với âm thanh thông báo “shopee” đặc trưng,…
2. Âm thanh nhận diện thương hiệu có được bảo hộ quyền tác giả không?
Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Từ quy định trên, có thể thấy âm thanh nhận diện thương hiệu không thỏa mãn bất kỳ loại hình tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần tránh nhầm lẫn âm thanh nhận diện thương hiệu với một tác phẩm âm nhạc – là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Mặc dù một số âm thanh nhận diện thương hiệu là một đoạn nhạc ngắn, song không thể coi đó là một tác phẩm âm nhạc. Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn (Theo Điều 6 Khoản 4 Nghị định 17/2023/NĐ-CP). Âm thanh nhận diện thương hiệu chỉ là một giai điệu ngắn, kể cả được ký âm lại dưới dạng nhạc nốt cũng không thể được coi là một bản nhạc hoàn chỉnh. Do vậy, âm thanh nhận diện thương hiệu dù là một giai điệu cũng không đủ điều kiện để được coi là một tác phẩm âm nhạc và không được bảo hộ quyền tác giả.
Mặt khác, trong trường hợp âm thanh nhận diện thương hiệu tồn tại dưới dạng bản ghi âm, theo Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ, bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ quyền liên quan nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Có thể kết luận rằng, mặc dù âm thanh nhận diện thương hiệu không được bảo hộ quyền tác giả, nhưng bản ghi âm chứa âm thanh nhận diện thương hiệu vẫn được bảo hộ quyền liên quan theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Trên đây là bài viết “Âm thanh nhận diện thương hiệu có được bảo hộ quyền tác giả không?”. Mong bài viết này có ích đối với các bạn.
Trân trọng,