Sự phát triển của công nghệ và mạng Internet đã mở rộng khả năng truyền tải tác phẩm âm nhạc đến công chúng thông qua các nền tảng phát trực tuyến (streaming). Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi và phổ biến của các dịch vụ này, vấn đề vi phạm quyền tác giả cũng trở nên phức tạp hơn. Vậy, bản quyền âm nhạc trong các dịch vụ phát trực tuyến là như thế nào?. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Khái niệm bản quyền âm nhạc trong các dịch vụ phát trực tuyến
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì Bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền pháp lý mà các tác giả, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn, và nhà sản xuất âm nhạc có đối với các tác phẩm âm nhạc của họ. Bản quyền đảm bảo rằng các tác giả và nhà sản xuất âm nhạc có quyền kiểm soát việc sử dụng và khai thác các tác phẩm của họ, đồng thời nhận được thù lao cho việc sử dụng đó.
Phát trực tuyến (steaming) là một thuật ngữ khá mới đây là sản phẩm của sự phát triển khoa học – công nghệ; được coi là một giải pháp thay thế cho việc tải xuống các tập tin theo phương thức truyền thống: cho phép phát trực tuyến cung cấp nội dung như nhạc phim để người dùng xem hoặc nghe mang tính chất tức thời và không lâu dài.
Dưới góc độ pháp lý hiện nay chưa có định nghĩa nào về khái niệm phát trưc tuyến hoặc điều chỉnh hành vi này.
Dịch vụ phát trực tuyến (hay còn gọi là dịch vụ streaming) là các nền tảng hoặc ứng dụng cung cấp nội dung truyền thông như âm nhạc, video, phim ảnh, chương trình truyền hình và các nội dung đa phương tiện khác thông qua internet. Thay vì phải tải xuống hoàn toàn trước khi có thể xem hoặc nghe, nội dung được truyền trực tiếp từ máy chủ của dịch vụ đến thiết bị của người dùng, cho phép xem hoặc nghe ngay lập tức.
Do đó, Bản quyền âm nhạc trên các dịch vụ phát trực tuyến đề cập đến việc bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc khi chúng được cung cấp và truy cập qua các nền tảng phát trực tuyến như Spotify, Apple Music, YouTube, Amazon Music, và các dịch vụ tương tự.
2. Quy định pháp luật về bản quyền âm nhạc trong các dịch vụ phát trực tuyến
Quyền tác giả theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả được quy định cụ thể tại Điều 19 và Điều 20 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH.
Liên quan đến Quyền tác giả, phát trực tuyến mang bản chất là một kênh truyền tải tác phẩm đến công chúng thông qua việc tạo ra bản sao tạm thời và người dùng trực tiếp xem, nghe âm thanh hoặc hình ảnh. Để thực hiện hoạt động phát trực tuyến người dùng thường phải sử dụng hai nhóm quyền bao gồm: quyền sao chép tác phẩm và quyền truyền đạt tác phẩm đến với công chúng được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật này. Đồng thời khoản 3 Điều 20 đã ghi nhận thêm trong trường hợp tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu. Nói cách khác khi phát trực tuyến tác phẩm ít nhất phải có sự đồng ý của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền tác giả trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại Điều 25 và 26 Luật này.
Dịch vụ phát trực tuyến hợp pháp bao gồm tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet thực hiện cung cấp quyền truy cập vào danh mục các tác phẩm âm nhạc hoặc nghe nhìn với sự cho phép của các chủ sở hữu quyền tác giả. Ví dụ các nền tảng cho phát trực tuyến các tác phẩm âm nhạc hợp pháp như: Spotify, Deezer, Apple Music….Theo đó những người tiếp cận các nền tảng này phải trả một khoản phí nhất định cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Đơn vị cung cấp có trách nhiệm trả tiền nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm âm nhạc cho chủ sở hữu quyền tác giả theo Hợp đồng hoặc theo sự thỏa thuận giữa các bên.
Ngoài ra còn có các dịch vụ phát trực tiếp bán hợp pháp cung cấp quyền truy cập vào các tác phẩm có bản quyền thông qua phát trực tuyến mà không yêu cầu sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Bên trung gian cung cấp dịch vụ này trong trường hợp phát hiện việc phát trực tuyến bất hợp pháp hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành gỡ bỏ nội dung vi phạm. Ví dụ các nền tảng chia sẻ như: Youtube, Dalilymotion, dịch vụ lưu trữ hoặc các nhà cung cấp s dịch vụ nội dung tương tự khác.
Dịch vụ trung gian đóng vai trò không nhỏ trong việc truyền đạt, phân phối các tác phẩm đến công chúng bao gồm cả việc làm tăng hoặc giảm giá trị của các tác phẩm âm nhạc. Đặc biệt trong những trường hợp xảy ra hành vi xâm phạm Quyền tác giả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này choinhs là chủ thể đầu tiên có khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 198b Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Tương tự, Điều 23d Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng) quy định điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có đặt ra yêu cầu về cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định này chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email). Do đó đây là trách nhiệm, nhưng cũng là một quyền của doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ trung gian để thực hiện hoạt động quản lý đối với nguồn thông tin được phân phối trên nền tảng mà mình cung cấp.
Qua đây VCD thấy rằng phát trực tuyến là một phương thức hiệu quả để truyền tải âm nhạc đến công chúng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về bản quyền. Việc sử dụng âm nhạc mà không có giấy phép và không trả tiền bản quyền là vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tác giả. Các giải pháp pháp lý và công nghệ cần được thực hiện đồng bộ để bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà sản xuất âm nhạc. Hợp tác quốc tế và sự tích cực của các tổ chức quản lý quyền tác giả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.