Tiềm năng và sự phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đối tác trong và ngoài nước, và nó có thể tiếp tục phát triển mạnh trong xã hội và đem lại giá trị văn hóa của một quốc gia. Âm nhạc có thể tạo ra một loạt cảm xúc và truyền tải thông điệp sâu sắc trong tác phẩm điện ảnh. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng tính chất lãng mạn, hài hước, căng thẳng hoặc xúc động của một cảnh quan trọng trong tác phẩm. Vậy bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được pháp luật quy định như thế nào?. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh
Định nghĩa tại khoản 1 Điều 12 Nghị đinh 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm điện ảnh là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.
“Bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh” là thuật ngữ để chỉ quyền sở hữu và quyền sử dụng âm nhạc trong một tác phẩm điện ảnh. Nó ám chỉ các quyền được cấp phép và bảo vệ pháp lý liên quan đến việc sử dụng âm nhạc trong một bộ phim. Nó cũng bao gồm các quyền của tác giả âm nhạc đối với việc sử dụng, sao chép, phân phối, biểu diễn, và truyền đạt tác phẩm của họ trong một bộ phim.
Quyền sở hữu bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh thuộc về người sáng tác âm nhạc hoặc chủ sở hữu bản quyền âm nhạc. Những người này có quyền kiểm soát việc sao chép, phân phối, trình diễn công khai, thu phí và tạo các phiên bản dựa trên âm nhạc của họ.
Quyền sử dụng âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh là quyền được cấp phép để sử dụng âm nhạc trong phim. Các nhà sản xuất phim phải xin phép từ chủ sở hữu bản quyền âm nhạc hoặc từ các công ty đại diện bản quyền để sử dụng âm nhạc trong tác phẩm của họ. Quyền sử dụng âm nhạc có thể bao gồm việc sử dụng trong phim, trailer, quảng cáo hoặc các hình thức khác liên quan đến tác phẩm điện ảnh.
2. Quy định của pháp luật về bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh
Mục đích Pháp luật có quy định bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh để:
- Bảo vệ quyền lợi của tác giả: Đảm bảo tác giả âm nhạc nhận được sự công nhận và thù lao xứng đáng cho công sức sáng tạo của họ.
- Khuyến khích sáng tạo: Tạo động lực cho các nhà sáng tạo âm nhạc tiếp tục đóng góp cho nền văn hóa và nghệ thuật.
- Đảm bảo tính hợp pháp: Giúp các nhà sản xuất phim tuân thủ luật pháp về sở hữu trí tuệ, tránh các tranh chấp pháp lý liên quan đến việc sử dụng trái phép tác phẩm âm nhạc.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam, khi tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim, các quyền tài sản thuộc quyền tác giả sẽ phát sinh, và người sử dụng tác phẩm (nhà sản xuất phim) sẽ có các nghĩa vụ tương ứng. Các quyền tài sản này bao gồm:
a. Quyền sao chép tác phẩm:
Tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, quy định là: “Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào…” Như vậy,tác giả có quyền sao chép tác phẩm âm nhạc của mình dưới mọi hình thức, bao gồm sao chép tác phẩm vào phim.
Nhà sản xuất phim phải xin phép và trả tiền bản quyền cho việc sao chép tác phẩm âm nhạc vào phim. Âm nhạc được sử dụng trong phim có thể được xin phép thông qua hai hình thức, đặt hàng (thuê) tác giả viết mới một ca khúc hoặc xin phép chủ sở hữu để được sử dụng ca khúc đã có sẵn để sản xuất phim. Trong cả hai trường hợp, việc xin phép và quản lý bản quyền âm nhạc trong phim là rất quan trọng để đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của tác giả và các chủ sở hữu tác quyền.
Nếu các đơn vị phát hành trực tuyến cho phép người dùng tải về để xem sẽ làm phát sinh “quyền sao chép”. Các rạp khi trình chiếu phim thì sẽ phát sinh nghĩa vụ đối với “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng”, còn khi bộ phim được phát sóng trên các kênh truyền hình, các nền tảng truyền hình trực tuyến thì sẽ phát sinh “quyền phát sóng, quyền truyền đạt”.
Khi bộ phim được phát hành, phân phối và trình chiếu ở các môi trường khác nhau, cũng như trên các nền tảng trực tuyến và các đơn vị phát sóng, các quyền liên quan đến âm nhạc trong phim sẽ tiếp tục phát sinh. Việc phát hành bộ phim trên các nền tảng này đòi hỏi người sở hữu quyền tác giả hoặc quản lý bản quyền âm nhạc thu phí tương ứng.
b. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng
Tác giả có quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc của mình trước công chúng. Tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là: “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;”.
Để bộ phim có thể đến với công chúng, không thể bỏ qua vai trò của các rạp chiếu phim, là điểm đến của các bộ phim điện ảnh và cũng là nơi công chúng được tiếp cận tác phẩm điện ảnh. Khi bộ phim được trình chiếu tại rạp, các ca khúc đã được sử dụng trong phim có thể được phát trong quá trình chiếu để tạo không khí và truyền đạt thông điệp của phim đến khán giả,có thể được phát trong không gian sảnh chờ, nơi mua vé và các khu vực khác trong rạp phim để tạo không gian âm nhạc liên quan đến phim ngoài ra còn được sử dụng trong trailer, teaser và các hoạt động quảng bá phim…
Như đã phân tích về quyền sao chép ở trên, có thể thấy được sự khác biệt giữa mục đích sử dụng tác phẩm âm nhạc của nhà sản xuất và các rạp phim. Cả hai bên có mục đích sử dụng khác nhau có quyền và trách nhiệm riêng: một bên là đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc để tạo ra một sản phẩm/tác phẩm điện ảnh và một bên là đơn vị trình chiếu, biểu diễn tác phẩm âm nhạc cùng với tác phẩm điện ảnh. Việc xác định rõ vai trò và mục đích sử dụng tác phẩm âm nhạc giữa nhà sản xuất phim và các rạp chiếu phim là quan trọng để đảm bảo việc quản lý bản quyền và thu phí được thực hiện đúng và công bằng.
c. Quyền phát sóng, truyền đạt tác phẩm đến công chúng
Tại điểm đ khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quy định là: “Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác…”. Khi các tác phẩm điện ảnh được trình chiếu, phát trên truyền hình sẽ làm phát sinh quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm đối với các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim.
Sự phát triển của các nền tảng truyền hình OTT (Over-The-Top) và các dịch vụ phát sóng trực tuyến đã tạo ra một môi trường mới cho việc tiếp cận và tiêu thụ nội dung giải trí. Điều này đặt ra những thách thức mới trong việc bảo vệ quyền tác giả và quản lý bản quyền, bao gồm cả tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim. Sự thuận tiện trong việc truy cập phim, chương trình truyền hình đã làm biến đổi cách khán giả tương tác với nội dung, và cuộc cách mạng số hóa này cũng mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ quyền tác giả, yêu cầu đặt ra là cần phải có các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm phạm quyền tác giả, không chỉ là đối với tác phẩm điện ảnh mà còn với tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim.
Như vậy, quy định pháp luật về quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh ở Việt Nam đã giúp bảo vệ quyền lợi của người sáng tác âm nhạc và đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng tác phẩm âm nhạc trong phim. Việc tuân thủ các quy định này là quan trọng để đảm bảo việc sử dụng âm nhạc trong điện ảnh được thực hiện đúng luật và đảm bảo quyền lợi của các tác giả âm nhạc.