Vi phạm bản quyền tác giả đang là một vấn đề nhức nhối và phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong thời đại số. Với sự phát triển của internet và các công cụ chia sẻ thông tin, việc sao chép, chia sẻ và sử dụng trái phép các tác phẩm sáng tạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do đó sự cần thiết phải biết “bản quyền tác giả là gì?”để nắm được và hiểu chi tiết tránh những vi phạm. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Khái niệm bản quyền tác giả

Theo Wikipedia: quyền lợi hay còn gọi là quyền là các nguyên tắc luật pháp, xã hội hoặc đạo đức về tự do hoặc những gì đáng có được, nghĩa là, quyền là các quy tắc quy phạm cơ bản về những gì được phép của mọi người hoặc người dân theo một số hệ thống pháp luật, quy ước xã hội hoặc lý thuyết đạo đức.

Theo góc độ pháp lý thì quyền là khái niệm pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó họ được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế.

Bản quyền trong tiếng anh được gọi là copyright, thuật ngữ copyright dùng để chỉ quyền phi vật thể của một người nào đó đối với các tác phẩm trí tuệ được tạo ra. Theo pháp luật Anh – Mỹ bản quyền bảo vệ quyền lợi kinh tế của người sở hữu quyền tác giả hơn là quyền nhân thân của tác giả. Khái niệm bản quyền không được quy định ở Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta hay nhắc đến khái niệm bản quyền để chỉ cho hình thức bảo hộ đối với quyền tác giả, quyền liên quan.

Còn quyền tác giả vốn là thuật ngữ được sử dụng trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Quyền này coi tác giả là trung tâm và bảo hộ tất cả các quyền về cả quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả.

Ở Việt Nam chỉ có quyền tác giả là được luật định nhưng theo thực tiễn áp dụng, quyền tác giả được hiểu đơn giản là bản quyền hay tác quyền là quyền của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra tránh bị xâm phạm bởi người khác. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu nó.

Bản quyền chỉ là một dạng tài sản trí tuệ. Bản quyền tập trung và khía cạnh giá trị thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Nó bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với việc sử dụng, sao chép, phân phối hoặc thương mại hóa tác phẩm, sản phẩm dịch vụ của mình. Bản quyền có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng và khuyến khích sáng tạo trong môi trường kinh doanh.

Còn quyền tác giả tập trung vào việc bảo vệ quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình. Nó liên quan đến giá trị tinh thần, quyền cá nhân và sự gắn kết giữa tác giả và tác phẩm. Quyền tác giả đảm bảo sự bảo vệ toàn vẹn quyền của tác giả bao gồm quyền công nhận tác phẩm, kiểm soát việc sử dụng tác phẩm và quyền nhận chi phí thù lao khi tác phẩm được sử dụng.

Khái niệm bản quyền và quyền tác giả là hai khái niệm có sự liên quan nhưng không hoàn toàn giống nhau tuy nhiên do thời gian cũng như sự hội nhập của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, pháp luật giữa các nước giao thoa với nhau nên những khác biệt này cũng dần được thay đổi và hòa hợp hơn.

Do đó, có thể hiểu đơn giản bản quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Nói cách khác, khi bạn tạo ra một tác phẩm như bài hát, bài thơ, bức tranh, tiểu thuyết, phần mềm,.., bạn sẽ tự động có quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Quyền này bao gồm  bảo hộ quyền nhân thân, quyền tài sản và cả bảo vệ quyền lợi kinh tế của tác giả.

Bản quyền tác giả là gì?

2. Những điều cần biết về bản quyền tác giả

Mục đích của bảo hộ bản quyền tác giả:

  • Thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển khoa học, văn hóa và nghệ thuật. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể hiện sự tôn trọng dối với tác giả, động viên họ tiếp tục đóng góp những sáng tạo cho cộng đồng và xã hội.
  • Đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm của họ bao gồm: quyền kinh tế( cho phép tác giả sở hữu độc quyền và khai thác kinh doanh trên chính tác phẩm đó), quyền nhân thân( bảo vệ quyền lợi của tác giả bao gồm quyền được ghi tên và tính nguyên vẹn của tác phẩm trong quá trình sử dụng và khai thác), quyền tinh thần ( bảo vệ các lợi ích phi kinh tế của tác giả đối với tác phẩm).
  • Bảo hộ bản quyền tác giả mang lại quyền kinh tế cho người sở hữu hợp pháp để ủy quyền hoặc ngăn chặn việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động thương mại và nhận tiền thù lao. Chủ sở hữu cũng có quyền kiểm soát các hình thức sử dụng khác nhau của tác phẩm, bao gồm xuất bản, in ấn, ghi âm, biểu diễn công cộng, phát sóng đài phát thanh, dịch thuật, chuyển thể thành phim và nhiều hình thức khác. Điều này khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo trong xã hội.

Các tác phẩm được bảo hộ bản quyền tác giả:

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ cụ thể như sau:

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ thì các tác phẩm được liệt kê ở trên phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác thì mới được bảo hộ bản quyền tác giả.

VCD thấy rằng việc hiểu rõ về bản quyền tác giả là quan trọng vì nó bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo, khuyến khích sự sáng tạo, quản lý văn hóa và tư tưởng, cũng như thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ luật pháp trong việc sử dụng tác phẩm của người khác. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội thông qua việc bảo vệ và khuyến khích sự sáng tạo.