Công nghệ thông tin đang thay đổi đời sống của con người từng ngày, từng giờ. Trong xu hướng phát triển của thế giới về công nghệ, những sản phẩm phần mềm, chương trình máy tính được làm ra ngày càng nhiều để đáp ứng những nhu cầu sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, phần mềm máy tính có những đặc thù là dễ tiếp cận, phổ biến, dễ sao chép, vậy việc bảo hộ bản quyền của chương trình máy tính được thực hiện như thế nào? Chúng tôi xin cung cấp thông tin về vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính tại Việt Nam cho bạn đọc thông qua bài viết dưới đây.
1. Chương trình máy tính là gì và được bảo hộ dưới hình thức nào?
Về định nghĩa chương trình máy tính, Khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
“Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”
Chương trình máy tính là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, được ghi nhận tại Điểm g Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học mà không được bảo hộ dưới dạng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ ghi nhận chương trình máy tính là một trong những đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.
Tuy nhiên, chương trình máy tính vẫn có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế trong trường hợp đặc biệt. Trong Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế được đính kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành tại mục 5.8.2.5 hướng dẫn xác định đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế liên quan đến chương trình máy tính đã nêu rõ:
“Sáng chế liên quan đến chương trình máy tính là một dạng “sáng chế được thực hiện bởi máy tính”, cụm từ này nhằm chỉ các đối tượng liên quan đến máy tính, mạng máy tính hoặc các thiết bị lập trình được khác mà thoạt nhìn một hoặc nhiều dấu hiệu của đối tượng yêu cầu bảo hộ được thực hiện bởi (các) chương trình. Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.”
2. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chương trình máy tính được bảo hộ như là bảo hộ một tác phẩm văn học. Chương trình máy tính muốn được công nhận để được bảo hộ quyền tác giả cần phải thỏa mãn những tiêu chí cụ thể như sau:
Một là, tính nguyên gốc của tác phẩm. Tính nguyên gốc của tác phẩm được hiểu là tác phẩm được hình thành do chính sự lao động sáng tạo của tác giả, không sao chép của người khác. Tính nguyên gốc không đồng nhất với tính mới của tác phẩm. Hai chương trình máy tính của hai tác giả khác nhau mặc dù giống nhau nhưng vẫn được bảo hộ quyền tác giả nếu như tác giả của hai chương trình đó đã sáng tạo ra chúng một cách hoàn toàn độc lập, không sao chép của nhau.
Hai là, chương trình máy tính phải được định hình dưới một dạng vật chất nhất định. Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ – CP, định hình là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt. Bên cạnh đó, hình thức thông điệp dữ liệu thông qua phương tiện điện tử cũng là được coi một dạng biểu hiện của tác phẩm1. Chương trình máy tính được viết bằng các ngôn ngữ lập trình khác nhau, cấu thành bởi các chữ viết và ký tự thường dùng trong văn bản viết và phần lớn được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Chương trình máy tính được bảo hộ dù ở dạng mã nguồn hay mã máy.
Ba là, tiêu chí về chủ thể của quyền tác giả. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của chương trình máy tính phải là một trong những đối tượng sau:
- Tổ chức, cá nhân có quốc tịch Việt Nam;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Khi đáp ứng đủ ba điều kiện trên, chương trình máy tính được bảo hộ quyền tác giả tự động mà không phải tiến hành bất kì thủ tục nào. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không chủ động thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả sẽ gặp phải nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho việc chứng minh quyền sở hữu đối với chương trình máy tính. Bên cạnh đó, chương trình máy tính là đối tượng có giá trị kinh tế cao, để thuận lợi cho hoạt động chuyển nhượng, li-xăng quyền tác giả thì việc đăng ký quyền tác giả là điều kiện cơ bản nhất, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện giao dịch. Do đó các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả sớm nhất có thể.
Trên đây là nội dung bài viết “Bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính”. Bản Quyền Việt Nam hy vọng bài viết này có ích với bạn đọc.
Trân trọng.
1Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 về Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.