Âm nhạc phát triển theo cùng với chiều dài lịch sử của xã hội, đây là công cụ thể hiện chính xác những mong muốn, nhu cầu, tình cảm của con người. Theo pháp luật quy định thì tác phẩm âm nhạc cũng được bảo hộ quyền tác giả, nhưng các quy định về bảo hộ cụ thể như nào mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của VCD.

1. Hiểu tác phẩm âm nhạc là gì?

Tác phẩm âm nhạc là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

Định nghĩa tác phẩm âm nhạc được quy định tại Điều 10 Nghị định số 22/2018 ngày 23 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật SHTT 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Cụ thể: “Tác phẩm âm nhạc quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả sẽ được bảo hộ kể từ khi mà tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Nghĩa là khi nào tác phẩm được tạo ra và con người có thể xác định được sự tồn tại của nó thì lúc này tác phẩm đó sẽ được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Do đó, đối với tác phẩm âm nhạc cũng vậy, khi nhạc sĩ chỉ mới sáng tạo ra giai điệu trong suy nghĩ của nhạc sĩ lúc này tác phẩm âm nhạc này chưa được bảo hộ. Chỉ khi nào, người nhạc sĩ tiến hành việc thể hiện tác phẩm đó dưới dạng hình thức vật chất nhất định (viết giai điệu, nốt nhạc vào giấy, thể hiện trên máy tính,…) thì quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc đó sẽ được phát sinh.

2. Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có thể hiểu là việc Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc xác lập, công nhận và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm âm nhạc do họ sáng tạo ra.

Trong đó, bao gồm các nội dung về xác lập, công nhân quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, quản lý, sử dụng, khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc và bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc chống lại các hành vi xâm phạm.

3. Điều kiện để tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả

3.1. Điều kiện về tác phẩm âm nhạc để được bảo hộ quyền tác giả

  • Phải là loại hình tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định

Nếu giai điệu chỉ hình thành trong tâm trí người nhạc sĩ thì đó chưa phải là tác phẩm âm nhạc được bảo hộ, chỉ khi bài hát đó được thể hiện dưới dạng nốt nhạc, chữ viết trên giấy, hoặc trên máy tính, khi đó tác phẩm âm nhạc mới có điều kiện được bảo hộ quyền tác giả.

  • Nội dung không trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, không gây hại cho quốc phòng, an ninh

Trong nội dung chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”.

3.2. Điều kiện của tác giả có tác phẩm âm nhạc được bảo hộ tại Việt Nam

  • Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam;
  • Tác phẩm thuộc sở hữu của công dân, pháp nhân, tổ chức Việt Nam;
  • Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
  • Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam;
  • Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Vậy, khi đáp ứng được các điều kiện trên, thì tại thời điểm tác phẩm âm nhạc được thể hiện dưới dạng hình thức vật chất nhất định thì khi đó quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc được phát sinh.

Trên thực tế, có không hiếm những trường hợp đạo nhạc hoặc sao chép lời bài hát nhưng chính tác giả cũng không xử lý được vì họ không chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với tác phẩm âm nhạc này. Vì lý do đó, đăng ký bảo hộ quyền tác giả là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ tác phẩm, là bằng chứng vững chắc để xử lý các hành vi xâm phạm, đồng thời tạo lợi thế cho chủ sở hữu trong việc truy thu tiền bản quyền đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép tác phẩm âm nhạc của tác giả.

Trên đây là bài viết Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,