Tranh dân gian là những tác phẩm được sáng tác để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được lưu truyền qua từng thế hệ. Tranh dân gian dần dần không chỉ là những tác phẩm riêng của những tầng lớp bình dân nghèo khó mà trở thành một nét nghệ thuật đại chúng được sử dụng rộng rãi bởi cả quan lại quý tộc. Ngày nay những làng nghề tranh dân gian không còn được phát triển như trước đây. Tuy nhiên những tác phẩm tranh dân gian Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao và được coi là đặc trưng nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ và bảo tồn. Vậy những tác phẩm tranh dân gian là gì và được bảo hộ như thế nào?

1. Tác phẩm tranh dân gian là những tác phẩm như thế nào?

Tranh dân gian là những tác phẩm nghệ thuật bình dân được tạo nên bởi những người nghệ sĩ chỉ quen thuộc với những công việc đồng áng mỗi ngày. Tuy nhiên những tác phẩm của họ lại đầy những tính sáng tạo độc đáo miêu tả về cuộc sống hàng ngày và những cảm nhận về thế giới xung quanh. Nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam với bề dày lịch sử phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu với người yêu thích hội họa nước nhà.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác phẩm tranh dân gian là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, được ghi nhận tại Điểm g Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể hơn, Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã làm rõ về tác phẩm tranh dân gian như sau:

“Tác phẩm mỹ thuật quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục bao gồm:

a) Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;”

Như vậy, các tác phẩm tranh dân gian là các tác phẩm hội hoạ được thể hiện bằng các chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước… mà pháp luật đề cập nêu trên.

2. Thời gian bảo hộ đối với tác phẩm tranh dân gian

Các quyền nhân thân như quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm và được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc và không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.

Quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản có thời hạn bảo hộ là thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

3. Điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm tranh dân gian

  • Do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
  • Phải là loại hình tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định

Theo Điều 6 Khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả chỉ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Nếu tác giả chỉ nghĩ ra ý tưởng mà chưa thực hiện định hình tác phẩm, thì ý tưởng đó không được bảo hộ quyền tác giả.

  • Nội dung không trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, không gây hại cho quốc phòng, an ninh

Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ, Nhà nước “Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”. Như vậy, nếu như các tác phẩm tranh dân gian có nội dung trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh, Nhà nước sẽ không bảo hộ.

Vậy, khi đáp ứng được các điều kiện trên, tác phẩm tranh dân gian mới được bảo hộ quyền tác giả.

Trên đây là bài viết “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tranh dân gian”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,