1. Khái niệm tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian
– Tại điểm l khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2022 (“Luật SHTT”), tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian thuộc loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
– Tại khoản 1 Điều 23 Luật SHTT và Điều 18 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:
- Truyện, thơ, câu đố (được hiểu là các loại hình nghệ thuật ngôn từ);
- Điệu hát, làn điệu âm nhạc; Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi (được hiểu là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian);
- Sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.
2. Nguyên tắc chung về bảo hộ quyền quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian
- Ngoài việc được áp dụng quy định đặc thù đối với loại hình là tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, việc bảo hộ quyền tác giả đối với loại hình tác phẩm này được áp dụng các quy định chung về bảo hộ quyền tác giả.
- Ba nguyên tắc cơ bản chi phối lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Nguyên tắc đối xử quốc gia, Nguyên tắc bảo hộ tự động hay bảo hộ đương nhiên, Nguyên tắc bảo hộ độc lập.
- Nguyên tắc đối xử quốc gia: Được thể hiện tại Khoản 1 Điều 5 Công ước Berne, theo đó đối với những tác phẩm được Công ước này bảo hộ, các tác giả được hưởng quyền tác giả ở các nước Liên hiệp ngoại trừ quốc gia gốc của tác phẩm, những quyền lợi do luật quốc gia liên quan dành cho công dân nước đó trong hiện tại và trong tương lai cũng như những quyền lợi mà Công ước này đặc biệt quy định. Điều 13 Luật SHTT cũng quy định rằng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà nước Việt Nam là thành viên.
- Nguyên tắc bảo hộ tự động hay bảo hộ đương nhiên: Quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới hình thức vật chất nhất định mà không phụ thuộc vào bất kì thủ tục nào như đăng kí, hay phải công bố tác phẩm. Thuật ngữ “hình thức vật chất” được hiểu là bất kì hình thức thể hiện nào mà qua đó công chúng có thể thấy được sự tồn tại của tác phẩm. Khoản 1 Điều 6 Luật SHTT khẳng định điều này, theo đó quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
- Nguyên tắc bảo hộ độc lập: Được thể hiện tại khoản 2 Điều 5 Công ước Berne, theo đó việc hưởng và thực hiện quyền tác giả hoàn toàn độc lập không tuỳ thuộc vào việc tác phẩm có được bảo hộ hay không ở nước gốc của tác phẩm. Do đó, ngoài những quy định của Công ước này, mức độ bảo hộ cũng như các biện pháp khiếu nại đảm bảo cho tác giả để bảo hộ quyền lợi của mình sẽ hoàn toàn do quy định của luật pháp của nước nơi sự bảo hộ được áp dụng.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian
- Tại Điều 18 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là Truyện, thơ, câu đố; Điệu hát, làn điệu âm nhạc; Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình.
- Tại khoản 2 Điều 23 Luật SHTT và khoản 4 Điều 18 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó (cụ thể là chỉ ra nguồn gốc, địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được hình thành) và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Việc sử dụng nêu trên bao gồm việc sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
- Thời hạn bảo hộ (quy định tại Điều 27 Luật SHTT): tác phẩm sân khấu, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên, nếu tác phẩm chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm kể từ khi tác phẩm được định hình;
- Các quyền nhân thân (Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) được bảo hộ vô thời hạn.
- Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Trên đây là bài viết “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,