Quyền tác giả đang ngày càng được chú trọng để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tổ chức sở hữu tác phẩm. Trong lĩnh vực xuất bản, việc bảo vệ bản quyền không chỉ quan trọng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cả tác giả lẫn nhà xuất bản. Vậy, quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách như thế nào? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Định nghĩa
1.1. Quyền tác giả
Theo khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định; Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Do đó có thể hiểu Quyền tác giả theo hai phương diện sau:
Về phương diện khách quan, Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Về phương diện chủ quan, Quyền tác giả là quyền dân sự bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân của chủ thể với tư cách là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuât, công trình khoa học và quyền khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm.
1.2. Xuất bản sách
Xuất bản là một từ Hán Việt trong tiếng anh là publish có nghĩa là công bố tới công chúng. Định nghĩa xuất bản trong từ điển bách khoa Việt Nam là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng thông qua việc sản xuất phổ biến các ấn phẩm đến nhiều người. Xuất bản là hoạt động truyền bá, bản thân nó không bao gồm khâu sáng tạo ra tác phẩm. Xuất bản khai thác và truyền bá, phổ biến tác phẩm là khâu nối tiếp nâng cao giá trị văn hóa, nhân rộng và mang chúng đến với công chúng. Xuất bản gồm ba khâu: biên tập, in, phát hành xuất bản phẩm.
Theo đó, Luật xuất bản 2012 quy định về khái niệm xuất bản là việc tổ chức khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.
Như vậy xuất bản sách theo nghĩa rộng là quá trình tổ chức các nguồn lực xã hội trong việc sáng tạo tác phẩm, in, nhân bản các tác phẩm, phổ biến đến nhiều người nhằm đạt hiệu quả kinh tế, chính trị và xã hội.
Xuất bản sách hiểu theo nghĩa hẹp là việc tác động tới quá trình sáng tạo của tác giả từ bản thảo gốc, sẽ được rà soát, hoàn thiện nội dung và hình thức thành bản mẫu để in và đưa sách tới nhiều người.

2. Bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách
Về mặt pháp lý, bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách là tổng hợp các quy định của pháp luật nhằm xác lập, công nhận quyền tác giả cho các tổ chức, cá nhân, quản lý, sử dụng, khai thác quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách và đảm bảo việc thực thi các quy định trên thực tiễn nhằm chống lại các hành vi xâm phạm.
Theo Luật xuất bản 2012 quy định quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản là việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản sách chỉ thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách là một dạng cụ thể của quyền tác giả nói chung vì vậy nội dung quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với cuốn sách được tạo ra từ quá trình xuất bản. Do đó tác giả có quyền cho phép nhà xuất bản in tác phảm của mình dưới dạng sách in hoặc sách điện tử nếu họ đáp ứng như cầu quyền lợi của tác giả. Quyền này đảm bảo được quyền lợi cho tác giả như một phần đảm bảo cho công sức mà họ đã sáng tạo ra tác phẩm của mình.
Đặc trung của việc bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực này như sau:
- Đối tượng là các xuất bản phẩm được thể hiện dưới hình thức là sách in hoặc sách điện tử. Trong đó đối tượng được bảo hộ quyền tác giả phải thỏa mãn hai điều kiện: sáng tạo nguyên gốc và được thể hiện dưới dang vật chất nhất định.
- Về chủ thể bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách: quan hệ pháp luật này là quan hệ giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà xuất bản và người sử dụng tác phẩm.
- Về nội dung bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách: là việc quy định các trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể tham gia vào lĩnh vực xuất bản sách phải tôn trọng và bảo vệ các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm được quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
Cơ chế bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách:
- Luật sở hữu trí tuệ hiện hành có quy định thể hiện cơ chế bảo hộ tự đồng tại khoản 1 Điều 6 như sau: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Trong đó cơ chế bảo hộ tự động là cơ chế đặc thù bảo hộ quyền tác giả theo quy định chung của công ước Berne mà Việt Nam là quốc gia thành viên của công ước này.
Thời gian bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách:
- Thời hạn bảo hộ đối với quyền nhân thân theo khoản 1 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ là vô hạn vì quyền nhân thân là quyền đặc biệt không thể trao đổi cho người khác( trừ quyền công bố) nó là quyền đặc thù gắn liền với mỗi cá nhân.
- Thời hạn bảo hộ đối với quyền tài sản là theo quy định tại khoản 2 Điều 27 thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm không phải tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo tác giả chết trường hợp có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau đồng tác giả cuối cùng chết.
Trên đây là bài viết “Bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách”mà VCD gửi đến
bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,