Vũ đạo là một loại hình nghệ thuật biểu diễn. Vũ đạo được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như nhảy hiện đại, nhảy hip hop, múa ba lê, múa đương đại, khiêu vũ,…Vậy, các tác phẩm múa, nhảy, khiêu vũ có được bảo hộ quyền tác giả hay không và được bảo hộ như thế nào?

1. Các tác phẩm vũ đạo được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam

Vũ đạo là một loại hình nghệ thuật sử dụng sự chuyển động của cơ thể theo âm nhạc để diễn đạt nội dung, ý tưởng nhất định tới công chúng. Các tác phẩm vũ đạo có thể được biết đến là những tác phẩm biểu diễn độc lập, hoặc được sử dụng kết hợp trong các vở nhạc kịch, điện ảnh, trên sân khấu dân gian,…

Những tác phẩm vũ đạo là một trong đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo Khoản 1 Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Đồng thời, theo quy định của pháp luật Việt Nam, vũ đạo được xác định là một hình thức nghệ thuật biểu diễn và được xếp vào dạng tác phẩm sân khấu, một loại hình được bảo hộ quyền tác giả (Điều 14 Khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ). Cụ thể hơn, Khoản 1 Điều 11 Nghị định 22/2018/NĐ-CP liệt kê như sau:

“Tác phẩm sân khấu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.”

Những đối tượng sáng tạo nên một tác phẩm vũ đạo là những người được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan tương ứng, bao gồm: người biểu diễn, biên kịch, biên đạo múa (nhảy), sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu của các quyền tài sản và quyền nhân thân gắn với quyền tài sản như quyền đặt tên và công bố tác phẩm.[1]

2. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm vũ đạo

Tác phẩm vũ đạo để được bảo hộ quyền tác giả cần đáp ứng những tiêu chí sau đây:

  • Tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc có nghĩa là tác phẩm phải được hình thành từ sự lao động sáng tạo của chính tác giả, không sao chép toàn bộ hoặc một phần từ tác phẩm khác.
  • Tác phẩm phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Có nghĩa là, tác phẩm vũ đạo phải được thiết kế, biên đạo hoàn chỉnh từ nội dung đến hình thức, hình thành tác phẩm sân khấu hoặc được ghi hình lại thì mới đạt điều kiện bảo hộ. Các động tác vũ đạo đơn lẻ không được coi là một tác phẩm sân khấu và không được bảo hộ quyền tác giả. Bên cạnh đó, biên đạo, biên kịch có thể ghi lại kịch bản nội dung ý tưởng cũng như các bước thực hiện của mình thành văn bản để được bảo hộ trọn vẹn hơn. Nếu tác phẩm chỉ ở dạng suy nghĩ, ý tưởng, chưa được đưa vào thực hiện trên thực tế thì không được bảo hộ.
  • Điều kiện về chủ thể của quyền tác giả: Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào; là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài có tác phẩm được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; là tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Trên đây là bài viết “Bảo vệ bản quyền cho vũ đạo như thế nào?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,


[1] Theo Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ