Review phim ban đầu có nghĩa là đánh giá và bình luận về phim, đây là một cách phổ biến và đơn giản để cung cấp thông tin về phim, nhằm mục đích giới thiệu đến những người đang quan tâm về một bộ phim nào đó. Tuy nhiên, review phim dần dần bị biến tướng dưới dạng video ngắn cắt ghép, chỉnh sửa để giới thiệu đầy đủ về nội dung phim rồi đăng tải trên Youtube, Facebook Watch hay TikTok, nhằm mục đích kiếm tiền. Vậy việc làm những video review phim đó có phải là vi phạm bản quyền không, hãy cùng theo dõi bài viết sau của VCD.

1. Review phim và những biến tướng của từ “review”

Review hiện nay là một xu hướng nở rộ của giới trẻ. Nghề review là nghề sử dụng ý kiến chủ quan trên góc độ người sử dụng để đánh giá về một sản phẩm, dịch vụ, những quán ăn, địa điểm du lịch và cả những bộ phim hay. Nói lên cảm nhận và đánh giá chân thực của bản thân khi từng trải nghiệm, từ đó giúp mọi người quyết định có nên sử dụng sản phẩm, dịch vụ hay xem bộ phim đó nữa hay không. Tóm gọn lại, review phim được hiểu là những cảm nhận, đánh giá chủ quan của người review trong suốt quá trình họ xem phim.

Theo quy định của pháp luật, những người làm video review không được tiết lộ các tình tiết chính của bộ phim mà thường họ sẽ đánh giá tổng quan về các nhân vật, diễn viên hay bối cảnh phim. Từ đó, các reviewer sẽ nêu lên ý kiến cá nhân giúp khán giả có thêm thông tin tham khảo trong quá trình lựa chọn phim mà mình sẽ xem.

Tuy nhiên, hiện nay, bản chất review phim ở Việt Nam lại là biến tướng của recap phim (tóm tắt lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bộ phim). Thực chất, các đoạn phim ngắn xuất hiện trên các trang mạng xã hội như youtube, facebook, tiktok với tiêu đề là review phim nhưng lại là tóm tắt nội dung phim. Bởi lẽ các video/clip này thường thuật lại toàn bộ chi tiết bộ phim và có một số ít hoặc không có đánh giá của người làm video. Thậm chí, các video này còn có những chỗ review sai lệch nội dung phim, làm ảnh hưởng đến thông điệp mà ekip sản xuất muốn truyền đạt đến người xem.

2. Review phim có vi phạm bản quyền không?

Theo Luật sở hữu trí tuệ, “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác”. Trong đó, việc tạo ra các video review phim được coi là làm tác phẩm phái sinh. Và việc review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim được coi là đang xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm.

Theo quy định mới sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào“. Với quy định này, việc sao chép một phần tác phẩm chính thức được xem là hành vi sao chép, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục được những vướng mắc do pháp luật không quy định rõ ràng trong nhiều vụ việc liên quan đến quyền tác giả trước đây.

Theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, trong số các hành vi xâm phạm quyền tác giả có hành vi:

  • Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
  • Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ngoại trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc

Bên cạnh đó, việc review phim không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định.

Do đó, người nào review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim đang có là hành vi xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức làm review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Trên đây là bài viết “Biến tướng khi làm video review phim – liệu có vi phạm bản quyền”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,