Biểu tượng © là biểu tượng quen thuộc, không xa lạ với những người sử dụng internet hàng ngày, thường được sử dụng trong thông báo bản quyền (“copyright notice”) ở cuối mỗi trang web. Biểu tượng © là ký hiệu của thuật ngữ bản quyền – “copyright”, thường được gắn với một đối tượng cụ thể (ví dụ như sách, trang web,…) với ý nghĩa tuyên bố đối tượng đó đã được bảo hộ bản quyền. Để tìm hiểu thêm thông tin về biểu tượng © và cách sử dụng của nó, Bản quyền Việt Nam xin được nêu rõ trong bài viết dưới đây.

1. Nguồn gốc của biểu tượng ©

Biểu tượng © được xuất hiện lần đầu trong Phần 18 của Đạo luật Bản quyền của Hoa Kỳ năm 1909. Ban đầu, biểu tượng này chỉ được sử dụng cho các tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc. 

Trước khi biểu tượng © ra đời, con người đã có ý thức về vấn đề bảo vệ bản quyền. Người ta đã sử dụng những biểu tượng và những dấu hiệu khác để khẳng định bản quyền hay tính chính thức của một tác phẩm. Những biểu tượng đó được sử dụng như một công cụ để hạn chế những gì nhà in có thể xuất bản, giống như một dạng con dấu, cho biết rằng giấy phép đã được cấp và sách được in là chính hãng. Người ta đã tìm thấy các ký hiệu biểu thị tình trạng bản quyền của tác phẩm trong niên giám Scotland những năm 1670, những cuốn sách có chứa một bản in của huy hiệu địa phương để xác nhận tính chính thức của sách.  Đồng thời, người ta cũng sử dụng thông báo bản quyền để xác thực tác phẩm là chính gốc. Tuy nhiên, đến tận năm 1802, việc thông báo bản quyền mới trở thành quy định bắt buộc theo Đạo luật Bản quyền 1802 tại Hoa Kỳ. Đạo luật này yêu cầu các nhà xuất bản, nếu họ muốn được bảo vệ bản quyền, phải đưa thông báo bản quyền vào sách của họ, phải xuất bản thông báo bản quyền trên trang tiêu đề hoặc trang phía sau nó. Ban đầu, thông báo bản quyền này được quy định khá dài, cụ thể:

Entered according to act of Congress, the _____ day of _____ 18 _____ (here insert the date when the same was deposited in the office) by A. B. of the State of _____ (here insert the author’s or proprietor’s name and the State in which he resides). ”

(Tạm dịch: Được thông qua theo đạo luật của Quốc hội, ngày _____ của _____ 18 _____ (ở đây ghi ngày mà tài liệu tương tự được ký gửi tại văn phòng) bởi A. B của Bang _____ (ở đây ghi tên tác giả hoặc chủ sở hữu và Bang nơi anh ta cư trú).

Sau đó, Đạo luật Bản quyền đã được sửa đổi vào năm 1874 để cho phép sử dụng một thông báo rút ngắn hơn: “Copyright, 18____ , by A. B.” Tuy nhiên, việc sử dụng thông báo trên vẫn gây ra sự phiền toái cho các các tác phẩm hội họa, bản đồ, đồ họa và điêu khắc, do đó, đến năm 1909, biểu tượng © đã được sử dụng giúp dễ dàng thể hiện rằng tác phẩm đã được đăng ký bản quyền và ban đầu nó chỉ áp dụng cho các tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc. Tới năm 1954, pháp luật Hoa Kỳ đã sửa đổi và cho phép biểu tượng ©  cho bất kỳ tác phẩm nào được xuất bản và đăng ký bản quyền.

Biểu tượng © được sử dụng phổ biến trên thế giới thông qua quy định của Công ước Bản quyền Toàn cầu (Universal Copyright Convention- UCC). Từ những năm 50 của thế kỷ XX, Hoa Kỳ đứng trước những ảnh hưởng từ việc bản quyền trở thành vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không phải là thành viên của công ước Bern, hiệp ước bản quyền hàng đầu tại thời điểm đó. Công ước Berne yêu cầu tất cả các quốc gia loại bỏ các thủ tục để được bảo hộ bản quyền, bao gồm cả thông báo và đăng ký, nhưng Hoa Kỳ tại thời điểm đó đã không sẵn sàng để thực hiện điều này. Công ước Bản quyền Toàn cầu được hình thành vào năm 1952 và có hiệu lực vào năm 1955 vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu các thủ tục bản quyền (Khoản 1 Điều 3 của Công ước), bao gồm thông báo bản quyền mang biểu tượng © kèm theo tên của chủ sở hữu bản quyền và năm xuất bản lần đầu tiên và Hoa Kỳ đã tham gia vào công ước đó. 

2. Biểu tượng © ngày nay được sử dụng như thế nào?

Hiện nay, việc sử dụng biểu tượng © không phải là hầu như không phải là việc làm bắt buộc, trừ những quốc gia có quy định cụ thể khác. Tuy nhiên, người ta vẫn khuyến khích sử dụng biểu tượng © và thông báo bản quyền nhằm cung cấp thêm bằng chứng trong một vụ tranh chấp  rằng người bị cáo buộc vi phạm lẽ ra phải biết rằng tác phẩm có bản quyền. Bên cạnh đó, do Hoa Kỳ đã gia nhập Công ước Bern vào năm 1989, các tác phẩm được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 1 tháng 3 năm 1989 vẫn phải tuân theo thông báo bản quyền là bắt buộc. 

Tại Việt Nam, việc sử dụng biểu tượng © và thông báo bản quyền là không bắt buộc. Việt Nam là một thành viên của công ước Bern và pháp luật Việt Nam cũng không có quy định về việc sử dụng bất kì một biểu tượng hay thông báo bản quyền nào như một điều kiện để tác phẩm được bảo hộ.

Trên đây là bài viết “Biểu tượng © được hiểu như thế nào?” của Bản quyền Việt Nam. Mong bài viết đem lại thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.

Trân trọng.