YouTube là nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới được thành lập vào năm 2005. Với hàng tỷ người dùng trên thế giới, nền tảng này cho phép người dùng trải nghiệm đa dạng các dịch vụ từ video giải trí, phim ngắn, tin tức… và âm nhạc là một trong những dịch vụ được tiếp cận phổ biến nhất trên nền tảng này. Tuy nhiên, tác phẩm âm nhạc hay các bài hát là một trong những đối tượng được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như được bảo hộ bởi YouTube. Vì vậy, để tránh vi phạm quyền tác giả, bài viết dưới đây sẽ nêu lên những cách xin phép bản quyền âm nhạc trên nền tảng YouTube một cách nhanh chóng nhất.

1. Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là gì?

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là một dạng quyền tác giả nói chung, được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 6, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ thì “4. Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”. Như vậy, có thể hiểu rằng, tác phẩm âm nhạc không nhất định phải thể hiện ở dạng hữu hình là các nốt, các ký tự âm nhạc mà còn có thể được thể hiện ở dạng âm thanh, và không bắt buộc phải được trình diễn.

Một bài hát khi được giới thiệu đến công chúng, thì bài hát đó là kết quả sáng tạo của Nhạc sỹ (người sáng tác tác phẩm âm nhạc), Người biểu diễn, trình bày tác phẩm (ca sĩ, nhạc công,…) và của Nhà sản xuất âm nhạc (ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn). Theo đó, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, bảo hộ quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân sáng tạo ra hoặc sở hữu tác phẩm âm nhạc và bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình.

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là phạm vi những quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được pháp luật thừa nhận và bảo hộ trong đó bao gồm các quyền đã được pháp luật sở hữu trí tuệ ghi nhận. Quan hệ pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối giữa các chủ thể của quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc và các chủ thể khác còn lại trong xã hội có nghĩa vụ tôn trọng quyền đó của các chủ thể mang quyền.

2. Căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc dựa trên một loạt các quy tắc bảo vệ tác phẩm và bảo vệ quyền tác giả. Ở hầu hết các quốc gia, quyền tác giả của một tác phẩm âm nhạc được phát sinh tự động khi tác phẩm đó được sáng tạo và ghi nhận trong một phương tiện truyền thông cụ thể.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo; và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; không phân biệt nội dung, chất lượng; hình thức, phương tiện, ngôn ngữ; đã công bố hay chưa công bố; đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Cách xin phép bản quyền nhạc Youtube

3. Cách xin phép bản quyền âm nhạc trên YouTube

YouTube là một nền tảng lớn với những quy định về bản quyền âm nhạc rất nghiêm ngặt để bảo vệ quyền và lợi ích của người sáng tạo, tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả. Minh chứng ở đây là việc YouTube cung cấp ba cách thức khác nhau để bảo vệ tác giả bao gồm: Biểu mẫu, Copyright Match Tool và Content ID.

Việc xin phép bản quyền âm nhạc là quá trình quan trọng để tuân thủ luật bản quyền và tránh các hậu quả pháp lý trên YouTube. Hãy luôn tham khảo tài liệu giấy phép và thỏa thuận trước khi sử dụng âm nhạc, và tuân thủ các điều khoản được quy định. Vì vậy, để xin phép bản quyền âm nhạc để sử dụng trên YouTube, có một số cách có thể được áp dụng như sau:

  • Liên hệ trực tiếp với chủ sở hữu bản quyền: Cách phổ biến nhất là tìm hiểu ai là chủ sở hữu bản quyền âm nhạc và liên hệ trực tiếp với họ. Bạn có thể gửi email hoặc tìm thông tin liên hệ trên trang web của họ, hoặc qua các trang mạng xã hội nếu họ có mặt trên đó. Hãy mô tả rõ mục đích và cách bạn muốn sử dụng âm nhạc.
  • Sử dụng dịch vụ quản lý bản quyền âm nhạc (Music Licensing Services): Có các dịch vụ quản lý bản quyền âm nhạc như SoundExchange, BMI, ASCAP và SOCAN (tùy theo quốc gia) mà bạn có thể liên hệ để xin phép và thu thập các khoản phí sử dụng bản nhạc. Họ có thể giúp bạn tìm ra ai là chủ sở hữu và quản lý quyền sử dụng.
  • Sử dụng nhạc miễn phí hoặc có sẵn phép sử dụng: Có một số nguồn nhạc miễn phí trên YouTube hoặc các trang web chuyên cung cấp âm nhạc miễn phí với các giấy phép sử dụng rõ ràng. Chú ý rằng bạn phải tuân thủ các điều khoản của giấy phép khi sử dụng âm nhạc này.
  • Tìm âm nhạc sử dụng giấy phép Creative Commons: Nếu bạn muốn tìm âm nhạc để sử dụng mà không cần phải trả phí hoặc xin phép riêng, bạn có thể tìm kiếm âm nhạc có giấy phép Creative Commons trên các trang web như Creative Commons Music hoặc Free Music Archive. Tuy nhiên, bạn vẫn phải tuân thủ các điều khoản của giấy phép.
  • Sử dụng thư viện âm nhạc YouTube: YouTube cung cấp một thư viện âm nhạc miễn phí cho các tác giả video trên nền tảng của họ. Bạn có thể sử dụng âm nhạc từ thư viện này trong các video của bạn mà không cần lo lắng về việc xin phép riêng.

Trên đây là bài viết: “Cách xin phép bản quyền nhạc Youtube nhanh chóng nhất?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.