Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, quyền tác giả trở thành một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hành vi xâm phạm quyền tác giả không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của tác giả và các tổ chức sáng tạo, mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực cho toàn xã hội. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả, việc xác định rõ ràng các căn cứ và tiêu chí để nhận diện hành vi xâm phạm là vô cùng cần thiết. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Hành vi xâm phạm quyền tác giả là gì

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân than và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả thông thường là những hành vi dưới dạng hành động, làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn tác phẩm, xâm phạm những giá trị nhân thân, uy tín, danh tiếng của tác giả hoặc khai thác, sử dụng tác phẩm bát hợp pháp.

Bản chất của hành vi xâm phạm quyền tác giả là sự khai thác bất hợp pháp tức là sử dụng những quyền thuộc độc quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà không có sự cho phép, không tôn trọng quyền của chủ sở hữu đó. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả này trên thực tế rất đa dạng và chủ thể xâm phạm cũng khác nhau.

2. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả

Theo Điều 64 Nghị định 17/2023/ND-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả quyền liên quan, căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả dựa trên các căn cứ sau:

Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Các đối tượng này phải đáp ứng các điều kiện về căn cứ xác lập quyền theo quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Những yếu tố xâm phạm phổ biến trong hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm làm ảnh hưởng đến tính nguyên gốc, sao chép tác phẩm một cách bất hợp pháp hay sử dụng tác phẩm mà không xin phép cũng như không trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Trường hợp có nhiều đồng tác giả hoặc đồng chủ sở hữu quyền tác giả, hành vi xâm phạm có thể diễn ra giữa các đồng tác giả hoặc đồng chủ sở hữu khi một trong số họ thực hiện hành vi mà không có sự đồng ý từ các bên còn lại. Các hành vi xâm phạm sẽ bị coi là vi phạm nếu người thực hiện không được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép, theo các quy định tại khoản 3 Điều 20, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31 và các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Các hành vi vi phạm diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam sẽ bị áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu hành vi xâm phạm diễn ra qua mạng viễn thông hoặc mạng Internet, nó cũng được coi là xảy ra tại Việt Nam khi: người tiêu dùng hoặc người sử dụng nội dung thông tin số là người ở Việt Nam và nội dung vi phạm được truy cập hoặc khai thác từ Việt Nam.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả

3. Một số biện pháp khắc phục tình trạng xâm phạm quyền tác giả

Đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm: là một bước quan trọng, giúp tác giả có được bằng chứng pháp lý về quyền sở hữu. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của tác giả mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp nếu có xảy ra. Nhờ đó, tác giả có thể ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.

Nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả của người dân và ý thức tự bảo vệ của chủ thể quyền: ý thức tôn trọng quyền tác giả là một trong những điều kiện quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc thực thi, bảo vệ quyền tác giả tại một quốc gia. Nếu người dân có ý thức tốt trong việc bảo vệ quyền tác giả thì hành vi xâm phạm có thể được ngăn ngừa và ngăn chặn. Ngoài ra nhà nước cần tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác.

Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả: Các tổ chức đại diện tập thể quyền giữ nhiệm vụ trung gian giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với tổ chức cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng tác phẩm đặc biệt là trong vấn đề thu phí tác quyền. Do đó việc phát huy tốt vai trò của tổ chức đại diện tập thể ngoài việc giúp ích cho tác giả còn góp phần làm ổn định và hạn chế hành vi xâm phạm quyền hiện nay, hỗ trợ cho hoạt động quản lý của nhà nước.

Áp dụng một số biện pháp công nghệ: có thể áp dụng các biện pháp công nghệ như sử dụng phần mềm bảo vệ bản quyền (DRM, watermarking), ứng dụng blockchain để xác thực quyền sở hữu, triển khai hệ thống giám sát trực tuyến và áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện vi phạm. Ngoài ra, phát triển nền tảng chia sẻ nội dung hợp pháp, xây dựng hệ thống báo cáo vi phạm và tổ chức các khóa học trực tuyến về quyền tác giả cũng là những giải pháp hiệu quả.

Trên đây là bài viết “Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả”mà VCD gửi đến bạn.

Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,