Đối với mỗi nhạc sĩ hay chủ sở hữu, việc được pháp luật công nhận là chủ sở hữu quyền tác giả rất quan trọng bởi tác phẩm âm nhạc hay bài hát là những đứa con tinh thần do mình tâm huyết sáng tác ra. Tuy nhiên đối với công nghệ và sự phát triển của thị trường âm nhạc hiện nay thì việc sao chép trở nên dễ dàng, tinh vi và khó lường hơn. Để bảo vệ tác phẩm của mình thì tác giả hay chủ sở hữu cần phải đăng ký bản quyền âm nhạc cho bài hát mà mình sở hữu, sáng tạo ra với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Và một trong những điều mà tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả quan tâm là chi phí đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây của VCD.
1. Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, “Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.
Như vậy, có thể hiểu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là quyền của tác giả đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm. Còn việc đăng ký bản quyền âm nhạc là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo hộ quyền tác giả đối với cá nhân, tổ chức có tác phẩm âm nhạc thỏa mãn các điều kiện được bảo hộ theo quy định của luật sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, phần lớn thực trạng xâm phạm quyền tác giả có liên quan đến tác phẩm âm nhạc, nhất là khi xảy ra trên không gian mạng. Đặc thù của tác phẩm âm nhạc rất dễ sao chép, nhân bản và truyền dẫn trên môi trường Internet nên với sự phát triển của Cách mạng công nghệ 4.0 và sắp tới là 5.0, tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói chung và phim truyện, hình ảnh… nói riêng ngày càng gia tăng trên không gian mạng, diễn ra phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
2. Điều kiện bảo hộ và căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc được bảo hộ khi tác phẩm đó bảo đảm được điều kiện được nêu trong Luật Sở hữu trí tuệ, tức là tác phẩm âm nhạc đó phải có tính sáng tạo (tính nguyên gốc) và hình thức thể hiện tác phẩm (tính định hình).
- Tính nguyên gốc thể hiện ở chỗ kết quả lao động phải độc lập sáng tạo của tác giả, tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động chí tuệ của mình, không sao chép từ tác phẩm của người khác. Chứa đựng một hàm lượng sáng tạo nhất định không yêu cầu tác phẩm phải độc đáo có tính mới có giá trị cao về nghệ thuật thẩm mỹ và chỉ cần sáng tạo mức tối thiểu thể hiện cái gì riêng của tác giả.
- Tính định hình thể hiện dưới vật chất nhất định là sự biểu diễn bằng chữ viết , các ký tự khác, đường nét hình khối bố cục, màu sắc, âm thanh hình ảnh hoạc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép, truyền đạt.
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy, quyền tác giả đối với bài hát được bảo hộ tự động kể từ khi tác phẩm ra đời dưới một hình thức vật chất nhất định. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả vẫn có nhiều ưu thế hơn khi có phát sinh những tranh chấp về bản quyền.
3. Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Bước 1: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chuẩn bị tờ khai đăng ký (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL) và 01 bộ hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả (bao gồm các giấy tờ tài liệu theo Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và quyền liên quan.
Bước 2: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả sau khi đã soạn thảo xong bộ hồ sơ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả (hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện).
Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày làm việc (bao gồm 01 tháng rà soát và 15 ngày cấp Giấy chứng nhận), kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Bước 4: Tiến hành nộp lệ phí theo quy định để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Sau khi có thông báo hồ sơ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ đơn đăng ký cần nộp phí để nhận được giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc.
4. Chi phí đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Theo Thông tư số 211/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, chi phí đăng ký bản quyền bài hát và chi phí đăng ký cho các đối tượng khác của quyền tác giả.
Cụ thể, đối với việc đăng ký quyền tác giả tác phẩm âm nhạc, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả là 100.000VNĐ đối với một bộ hồ sơ.
Việc đăng ký bản quyền còn giúp người sáng tác và các chủ sở hữu bản quyền khác có thể đưa ra yêu cầu pháp lý đối với các bản sao không được phép sử dụng bài hát, và đảm bảo rằng họ sẽ không bị mất quyền sử dụng và phân phối bài hát của mình cho người khác mà không được đền bù.
Ngoài ra, đăng ký bản quyền còn giúp tác giả bảo vệ danh tiếng và tác phẩm của mình, tăng khả năng thu hút các nhà sản xuất âm nhạc và người tiêu dùng, từ đó đạt được thành công và doanh thu tốt hơn từ bài hát của mình.
Trên đây là bài viết: “Chi phí đăng ký bản quyền bài hát”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.