Trên thực tế có rất nhiều tranh chấp về việc xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Quyền tác giả không chỉ đảm bảo lợi ích cho tác giả mà còn thúc đẩy sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật trong xã hội. Tuy nhiên, việc xâm phạm quyền tác giả đặc biệt là hành vi chiếm đoạt đang diễn ra một cách tinh vi và phổ biến. Vậy, chiếm đoạt quyền tác giả có vi phạm bản quyền không khi chưa đăng ký quyền tác giả? Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Khái niệm chiếm đoạt quyền tác giả.

Hành vi chiếm đoạt là việc xâm phạm quyền sở hữu bằng cách lấy trộm tài sản của người khác để sử dụng cho lợi ích cá nhân.

Quyền tác giả theo khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành là quyền của tổ chức cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong đó, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Chiếm đoạt quyền tác giả được hiểu là hành vi dùng mọi thủ đoạn như dùng vũ lực, gian dối, trộm cắp, lạm dụng, tín nhiệm để làm cho quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật,.. thuộc về sở hữu của mình một cách trái pháp luật.

Chiếm đoạt quyền tác giả có vi phạm bản quyền không khi chưa đăng ký quyền tác giả?

2. Chiếm đoạt quyền tác giả có vi phạm bản quyền không khi chưa đăng ký quyền tác giả?

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định rõ những hành vi xâm phạm và chiếm đoạt quyền tác giả, nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Dưới đây là những hành vi đó:

  • Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
  • Xâm phạm quyền nhân thân, theo quy định tại Điều 19 của Luật.
  • Xâm phạm quyền tài sản, theo quy định tại Điều 20 của Luật.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật.
  • Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả.
  • Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ các thiết bị hoặc sản phẩm nhằm mục đích thương mại, khi biết hoặc có cơ sở để biết rằng chúng được sử dụng để vô hiệu hóa biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả.
  • Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nếu biết hoặc có cơ sở để biết rằng điều đó gây xúi giục hoặc tạo điều kiện cho hành vi xâm phạm quyền tác giả.
  • Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, theo quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật.

Như vậy, chiếm đoạt quyền tác giả là hành vi xâm phạm bản quyền theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh tự động khi tác phẩm được sáng tạo ra, không phụ thuộc vào việc đăng ký. Điều này có nghĩa là tác giả có quyền bảo vệ tác phẩm của mình từ thời điểm nó được tạo ra, dù cho tác phẩm đó có được đăng ký hay không. Do đó, chiếm đoạt quyền tác giả vẫn được coi là hành vi vi phạm bản quyền, ngay cả khi tác phẩm chưa được đăng ký quyền tác giả.

Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả có vai trò quan trọng giúp củng cố bằng chứng về quyền sở hữu và giúp tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ quyền lợi của tác giả trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Nếu một người hoặc tổ chức khác chiếm đoạt tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả, hành động này vẫn là xâm phạm quyền tác giả và vi phạm bản quyền, bất kể có đăng ký hay không.

Theo Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung như sau: Trong vi phạm nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Như vậy, thẩm quyền xử lý đối với người chiếm đoạt quyền tác giả của người khác do cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp tùy theo tính chất của vụ việc để xử lý.

Trên đây là bài viết “Chiếm đoạt quyền tác giả có vi phạm bản quyền không khi chưa đăng ký quyền tác giả?” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,