Sự phát triển của thị trường công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay so với các năm đổ về trước là một tiến triển vượt bậc. Điều này phải kể đến từ sau Covid 19, nhu cầu mua sắm online hay các dịch vụ lao động, giải trí, thương mại từ xa được phổ biến hơn cả. Chương trình máy tính là một tài sản sở hữu trí tuệ. Vậy, chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới hình thức nào các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của VCD.

1. Chương trình máy tính là gì?

Chương trình máy tính là một tập hợp các hướng dẫn cho việc thực hiện nhiệm vụ của một máy tính. Một máy tính đòi hỏi các chương trình phải hoạt động và thường thực hiện các lệnh chương trình ở bộ phận xử lý trung tâm. Khi người dùng chạy các chương trình, các tập tin được đọc bởi máy tính và các bộ xử lý đọc dữ liệu trong tập tin như là một danh sách các hướng dẫn. Sau đó, các máy tính làm những gì chương trình cho phép nó làm. Một chương trình máy tính được viết bằng một ngôn ngữ lập trình, chẳng hạn như BASIC, C, Java. Một khi chương trình máy tính được viết, các lập trình viên sử dụng một trình biên dịch để biến chương trình máy tính đó thành một ngôn ngữ mà máy tính có thể hiểu được.

Hiệp định Trips – Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ nêu rõ tại Khoản 1 Điều 10 về hình thức bảo hộ đối với chương trình máy tính như sau: “Các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971)”.

Dựa trên tinh thần trên, khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về chương trình máy tính như sau: “Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”

2. Các hình thức bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính

2.1. Bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính

Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm, chương trình máy tính là một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính là bảo hộ về hình thức thể hiện (giao diện, bối cảnh) và mã code chứ không bảo hộ ý tưởng của chương trình máy tính. Việc bảo hộ chương trình máy tính như bảo hộ tác phẩm văn học sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hành vi sao chép của đơn vị khác.

Bên cạnh đó, do pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng của chương trình máy tính nên tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không thể ngăn cản người sử dụng chương trình máy tính hay các tổ chức, cá nhân khác tiến hành các phân tích ngược chương trình máy tính để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của chương trình máy tính nhằm mục đích phát triển. Người tiến hành phân tích ngược thành công sẽ là chủ sở hữu của chương trình máy tính mới. Việc này góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm, có ý nghĩa lớn cho kinh tế – xã hội.

Theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn và quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.

2.2. Bảo hộ sáng chế đối với chương trình máy tính

Theo Bộ luật quyền tác giả của Hoa Kỳ quy định bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, nhưng thực tế chương trình máy tính hoàn toàn có thể được cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu phần mềm được liên kết với một cấu trúc vật lý.

Theo Khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ và tham chiếu quy chế thẩm định sáng chế cụ thể tại Điều 5.8.2.5 nêu rằng: “Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế” (điểm a Khoản 2 Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ). Do đó, có thể hiểu rằng nếu chương trình máy tính thực sự là một giải pháp kỹ thuật, liên kết với một thiết bị kỹ thuật và được thể hiện mô tả được dưới dạng quy trình thì có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế.

Hiện nay, bên cạnh các quốc gia không bảo hộ chương trình máy tính dưới dạng sáng chế (Việt Nam, Anh, Pháp, EU) thì cũng có một số quốc gia không phủ định việc bảo hộ sáng chế liên quan đến chương trình máy tính trong các đạo luật của họ như Mỹ, Canada, Australia. Mặc dù trong Quy chế thẩm định sáng chế nêu về trường hợp ngoại lệ chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế nhưng dù sao chương trình máy tính đã bị loại trừ không cấp văn bằng bảo hộ sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, vì vậy quyền tác giả là hình thức bảo hộ duy nhất và phù hợp nhất. Tại Ấn Độ cũng quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, nhưng đạo luật bằng sáng chế của Ấn Độ cũng quy định có thể cấp patent cho chương trình máy tính khi nó được liên kết với một cấu trúc vật lý. Tương tự tại Trung Quốc, Luật quyền tác giả quy định bảo hộ phần mềm máy tính. Mặc dù pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia khác quy định bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính nhưng vẫn không loại trừ khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế cho loại hình này.

3. Nhận xét về hai hình thức bảo hộ chương trình máy tính

Thứ nhất, việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính là tự động từ khi chương trình máy tính được sáng tạo ra mà không phải đăng ký hay phải trải qua bất kỳ một thủ tục nào. Ngược lại, việc đăng ký sáng chế chương trình máy tính cần phải nộp đơn đăng ký, trải qua giai đoạn xét nghiệm đơn (về hình thức và nội dung) và phải nộp phí đăng ký đơn cũng như lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng hàng năm. Ngoài ra, việc bảo hộ sáng chế chương trình máy tính phải được công khai và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận những thông tin này. Trong đơn đăng ký sáng chế, chủ sở hữu phải có bản mô tả sáng chế trong đó “bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó”. Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh khai thác.

Thứ hai, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính dài hơn so với bảo hộ sáng chế (20 năm). Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng dù bảo hộ quyền tác giả hay bảo hộ sáng chế đối với chương trình máy tính thì thời hạn bảo hộ đều là quá dài đối với vòng đời của một chương trình máy tính. Ví dụ như phần mềm Windows liên tục được Microsoft cập nhật ra mắt các phiên bản mới, nâng cấp so với phiên bản cũ (Windows 1.0 năm 1985, Windows 2.0 năm 1987, Windows 3.0 năm 1990… ).

Trên đây là bài viết: “Chương trình máy tính được bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nào?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.