Hiện nay, các tác phẩm báo chí đang đứng trước nguy cơ cao bị xâm phạm quyền tác giả do chịu tác động từ hiệu quả lan truyền thông tin nhanh chóng qua không gian mạng và những công nghệ sao chép mới. Khi các tác phẩm báo chí chính thống bị sao chép, bị đánh cắp thì vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc xâm phạm quyền tài sản, gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho các đơn vị nắm giữ bản quyền mà những tác phẩm báo chí còn bị cắt cúp, sao chép, làm méo mó, sai lệch thông tin được truyền tải ban đầu, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Pháp luật hiện hành đã và đang có những cơ chế quan trọng trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, nội dung cụ thể sẽ được chúng tôi trình ngay sau đây:
1. Quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí
Tác phẩm báo chí là đơn vị cấu thành nhỏ nhất của sản phẩm báo chí, có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, gồm tin, bài được thể hiện bằng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh.
Theo Điều 6 Khoản 3 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác
Căn cứ theo Điều 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí bao gồm các quyền nhân thân, quyền tài sản, cụ thể:
- Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm báo chí; đứng tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm báo chí được công bố, sử dụng; Công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến; Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm báo chí, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của mình;
- Quyền tài sản: Được hưởng nhuận bút – khoản tiền do tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí; Được hưởng thù lao khi tác phẩm báo chí được sử dụng; Được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày.
2. Cơ chế bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí
Hiện nay, việc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí đang gặp nhiều thách thức khi mà tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn rất phổ biến, đa dạng, việc vi phạm ngày càng tinh vi hơn với việc khai thác sự phát triển của công nghệ. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trước tiên cần nhận biết được hành vi nào là vi phạm quyền tác giả, đồng thời cần có ý thức tự bảo vệ tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Về cơ bản, việc bảo vệ quyền tác giả được thực hiện thông qua những cơ chế như sau:
2.1.Biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự là những biện pháp cho phép tác giả tự bảo vệ tác phẩm của mình trước các hành vi xâm phạm quyền tác giả có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, cũng như xâm phạm danh dự, uy tín, giá trị tri thức sáng tạo của bản thân tác giả, cụ thể:
- Yêu cầu đối tượng vi phạm tự gỡ bỏ bài vi phạm, có công văn cam kết không tái phạm, nếu tái phạm sẽ thực hiện những biện pháp mạnh hơn; thương lượng, đàm phán giữa hai bên để đem lại kết quả có lợi nhất cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.
- Được tiến hành thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Theo đó tác giả của tác phẩm báo chí bị xâm phạm có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi cư trú của cá nhân, và trụ sở của pháp nhân có hành vi xâm phạm hoặc Tòa án nơi hành vi xâm phạm được thực hiện, Khi tiến hành nộp đơn khởi kiện thì tác giả tác phẩm báo chí bị xâm phạm cần chuẩn bị các bằng chứng kèm theo;
- Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì theo Điều 584 BLDS năm 2015, tác giả có nghĩa vụ chứng minh về: (i) hành vi xâm phạm; (ii) thiệt hại thực tế xảy ra; (iii) mối quan hệ giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại xảy ra.
2.2.Biện pháp hình sự
Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định là tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự, cụ thể:
- Tác giả của tác phẩm báo chí có thể nộp đơn tố giác tội phạm khi phát hiện cá nhân khác có hành vi xâm phạm mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 225 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Đơn tố giác tội phạm sẽ được gửi cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Cơ quan điều tra cấp huyện nơi mà xảy ra hành vi phạm tội hoặc nói người phạm tội cư trú.
2.3.Biện pháp hành chính
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức khác bị thiệt hại do hành vi xâm phạm hoặc phát hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm, cụ thể là Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp sẽ có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm tác phẩm báo chí. Các hành vi vi phạm hành chính do xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm báo chí và biện pháp khắc phục hậu quả hiện nay quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể là từ Điều 8 đến Điều 12, Điều 15 đến Điều 20, Điều 27 đến Điều 35.
Tùy vào từng trường hợp, cũng như mức độ thiện chí của bên xâm phạm và mong muốn của tác giả thì tác giả tác phẩm báo chí bị xâm phạm có thể lựa chọn cho mình các biện pháp phù hợp.
Trên đây là bài viết “Cơ chế bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.