Khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, khu vui chơi giải trí trong thời gian mở cửa kinh doanh thường không thể thiếu được việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc để tạo không khí, tăng thêm điểm nhấn, giúp thu hút và tạo sự thoải mái, dễ chịu, vui vẻ cho khách hàng. Việc sử dụng những bản nhạc phù hợp trong mỗi một không gian có chủ đề nhất định là một phương pháp tăng chất lượng dịch vụ, gây ấn tượng với khách hàng, khiến khách hàng mua hàng nhiều hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn và có trải nghiệm tốt, sẵn sàng để quay lại lần sau. Có thể kể đến hai hình thức thường thấy hiện nay là sử dụng bản ghi âm, ghi hình để phát nhạc nền và trực tiếp biểu diễn tại cơ sở kinh doanh. Việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc vì mục đích thương mại như trên liệu có phải trả tiền bản quyền hay không, chúng tôi xin được làm rõ trong bài viết dưới đây.
1. Quy định của pháp luật về việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình vì mục đích thương mại
Theo Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, các trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về bản ghi âm, ghi hình bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
- Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
- Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại.
Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã giải thích cụ thể về các trường hợp nêu trên, trong đó trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng.
Như vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong thời gian mở cửa kinh doanh buộc phải trả tiền bản quyền cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình như trên không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không được gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Tuy nhiên, liệu khi những cơ sở kinh doanh này đã mua băng, đĩa gốc có bản quyền, các bản ghi âm, ghi hình được phát hành trực tuyến một cách hợp pháp để phát nhạc nền trong lúc mở cửa kinh doanh thì có phải trả thêm tiền bản quyền do sử dụng tác phẩm trong hoạt động kinh doanh nữa không? Bởi lẽ, có sự khác nhau về bản chất giữa việc nghe, xem tác phẩm thông thường và sử dụng trong hoạt động kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, tiền mua bản quyền cũng có sự chênh lệch không nhỏ. Trên thực tế, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Do đó, các doanh nghiệp và chủ sở hữu hợp pháp bản ghi âm, ghi hình nên chủ động tìm hiểu và liên hệ với nhau để thỏa thuận về tiền bản quyền.
2. Quy định về biểu diễn tác phẩm âm nhạc
Theo Điều 25 Khoản 1 điểm g Luật Sở hữu trí tuệ, sử dụng tác phẩm đã công bố để biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Quyền biểu diễn tác phẩm là một trong những quyền tài sản thuộc quyền tác giả. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm” (Điều 20 Khoản 1 điểm b Luật Sở hữu trí tuệ).
Đồng thời, tại Điều 20 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rằng tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền biểu diễn phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Từ các quy định trên, việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền chỉ khi buổi biểu diễn đó mang tính chất sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại. Còn lại, việc những cơ sở kinh doanh trên tổ chức biểu diễn âm nhạc kể cả có thu phí hay không thu phí, nhằm mục đích thu hút nhiều khách hàng tới sử dụng dịch vụ để thu lợi nhuận thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Trên đây là bài viết “Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong thời gian mở cửa kinh doanh có phải trả tiền bản quyền hay không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,