Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế, vậy người được thừa kế có thể từ chối quyền thừa kế của mình hay không? Mời bạn đọc theo dõi bài viết của VCD để biết thêm thông tin chi tiết.
1. Thừa kế quyền tác giả
Quyền tác giả quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó có một số quyền có thể để lại thừa kế theo quy định của pháp luật Dân sự.
Tài sản của cá nhân có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, mà có quyền tài sản nằm trong quyền tác giả. Vậy, khi cá nhân sở hữu quyền tác giả chết và để lại tài sản của mình cho người thừa kế thì quyền tác giả đương nhiên sẽ trở thành di sản thừa kế.
Điều 40 Luật SHTT có quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế, cụ thể:
“Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này.”
Theo đó, người được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật sẽ trở thành chủ sở hữu của các di sản thừa kế này. Tuy nhiên, người thừa kế không thừa hưởng hết toàn bộ quyền tác giả mà chỉ là chủ sở hữu của các quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản trong quyền tác giả.
2. Từ chối thừa kế tác phẩm
Trên cơ sở đó tại Điều 40 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân được thừa kế quyền tác giả nhưng chỉ một số quyền nhất định. Đối với quyền nhân thân, cá nhân chỉ được nhận thừa kế quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Những quyền nhân thân khác không thể để lại thừa kế bởi những quyền này gắn liền với cá nhân mỗi người, thường là tên gọi, uy tín, danh dự, nhân phẩm… chỉ cá nhân đó mới thực hiện được. Còn đối với quyền tài sản thì được thừa kế toàn bộ theo quy định của pháp luật giống như là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả ban đầu của tác phẩm, cụ thể các quyền sau:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Việc từ chối nhận thừa kế được thực hiện theo quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự như sau.
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Như vậy, cá nhân có quyền từ chối nhận di sản là quyền tác giả và phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản mà tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ thì tác phẩm sẽ thuộc về Nhà nước theo quy định của luật SHTT Việt Nam.