Tác phẩm được xem như những đứa con tinh thần của tác giả, được tác giả bỏ thời gian, công sức trau chuốt để có thể hoàn thiện một cách hoàn mỹ nhất. Chính vì lẽ đó, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc công nhận sự sáng tạo của người làm. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đối tượng xấu, bất chấp hành vi phi đạo đức mà ăn cắp tác phẩm của người khác một cách tráo trở khi tác phẩm đó chưa được công bố. Vậy, hiểu đúng về công bố tác phẩm là gì, mời bạn đọc cùng VCD theo dõi bài viết dưới đây.

I. Công bố tác phẩm là gì? Thế nào là quyền công bố tác phẩm?

1. Công bố tác phẩm

Những tác phẩm chưa được công bố là những đối tượng dễ bị đánh cắp nhất vì chưa có ai tuyên bố quyền sở hữu của mình đối với các tác phẩm đó. Để dễ dàng chứng mình quyền sở hữu tác phẩm khi có tranh chấp, các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả nên công bố tác phẩm của mình tới công chúng sớm nhất có thể.

Hiểu theo cách thông thường, công bố tác phẩm là việc đưa ra công khai tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học để cho mọi người biết dưới các hình thức như: xuất bản, trưng bày, biểu diễn, thuyết trình… hoặc đăng kí tác phẩm đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Quyền công bố tác phẩm

Công bố tác phẩm là một trong những nội dung quan trọng của quyền tác giả. Tác giả trong trường hợp đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có toàn quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình. Khi công bố tác phẩm, tác giả còn có quyền lựa chọn hình thức, loại hình nghệ thuật thích hợp với tác phẩm đó.

Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là một trong những quyền nhân thân của quyền tác giả được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.

Theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan quy định:

“Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.”

Có thể thấy rằng, dưới góc độ pháp luật về quyền tác giả, thuật ngữ “công bố tác phẩm” được diễn giải khác biệt so với cách hiểu thông thường. Theo đó, công bố tác phẩm được hiểu là việc phát hành bản sao tác phẩm đến công chúng, với số lượng hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Việc công bố tác phẩm phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, không phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện hay số lần tác phẩm được giới thiệu trước công chúng và có được công chúng biết tới hay chưa.

Như vậy, thời điểm công bố tác phẩm là thời điểm mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phát hành tới công chúng bản sao tác phẩm với số lượng hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng.

II. Ý nghĩa của việc công bố tác phẩm

Việc xác định một tác phẩm đã được công bố hay chưa có ý nghĩa rất quan trọng đối với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả bởi những lý do dưới đây:

Thứ nhất, việc xác định một tác phẩm đã được công bố có nghĩa xác định thời điểm công bố tác phẩm đó. Thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm căn cứ tính thời hạn bảo hộ của tác phẩm.

Thứ hai, việc xác định tác phẩm đã được công bố xác định giới hạn lãnh thổ mà tác phẩm được bảo hộ bởi lẽ phạm vi bảo hộ quyền tác giả mang tính lãnh thổ.

Thứ ba, việc xác định tác phẩm đã được công bố xác định giới hạn quyền tác giả và quyền liên quan. Giới hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan chính là các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25 và Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ 2022. Chỉ những tác phẩm “đã được công bố” mới có thể được áp dụng hai điều luật này.

Lao động nghiên cứu, sáng tạo là công cụ và sản phẩm của một môi trường văn hóa mà bất cứ hành vi phản văn hóa nào xảy ra trong môi trường văn hóa ấy đều bị phản đối. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả tốt nhất, những người sáng tạo nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cho tác phẩm của mình.

Trên đây là bài viết “Hiểu như nào là đúng về công bố tác phẩm”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,