Một tác phẩm có thể phổ biến đến công chúng theo nhiều cách khách nhau. Tuy nhiên, để tác phẩm nghệ thuật đó được công chúng biến đến rộng rãi thì tác phẩm đó cần được thể hiện trên các chương trình, nền tảng âm nhạc đại chúng. Một buổi biểu diễn, bên cạnh việc sáng tác của tác giả thì người biểu diễn phải trình bày tác phẩm đó trên các chương trình, nền tảng xã hội với sự hỗ trợ của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng. Vậy, cuộc biểu diễn phải đáp ứng các điều kiện nào để được pháp luật bảo hộ?

1. Định nghĩa cuộc biểu diễn

Nghệ thuật là một loạt các hành động, mang tính đặc trưng của con người và những sản phẩm do những hoạt động đó tạo ra. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng. Hoạt động này được thể hiện dưới các hình thức như biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Khoản 3 Điều 2 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn có giải thích “loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam và thế giới”.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2023, gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ), “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”. Như vậy, cuộc biểu diễn được hiểu là hoạt động nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian; được truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật nhằm tiếp cận công chúng.

2. Điều kiện để cuộc biểu diễn được bảo hộ theo quy định pháp luật

Tuy nhiên, không phải cuộc biểu diễn nào cũng được Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung bảo hộ. Căn cứ theo khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ, để cuộc biểu diễn được bảo hộ thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;

b) Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;

c) Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật này;

d) Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật này;

đ) Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo nguyên tắc hiệu lực lãnh thổ của quyền tắc giả thì nơi thực hiện cuộc biểu diễn cũng là một trong những điều kiện bảo hộ cuộc biểu diễn. Pháp luật các nước thường chỉ bảo hộ cuộc biểu diễn của công dân nước mình, cuộc biểu diễn được thực hiện trên phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình và các trường hợp khác tùy thuộc vào các Hiệp định song phương hoặc đa phương về các vấn đề có liên quan mà quốc gia tham gia hoặc ký kết. Ngoài các nguyên tắc được quy định trong các Điều ước quốc tế như nguyên tắc đối xử công dân, nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (Hiệp định TRIPS), Khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định với các cuộc biểu diễn mà người biểu diễn là công dân Việt Nam dù được thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài đều được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Ngoài ra, cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam cũng được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam và một số trường hợp cụ thể khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cuộc biểu diễn này phải đảm bảo được thực hiện lần đầu hoặc được định hình lần đầu (điều kiện về hình thức hoặc thực hiện). Quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn được  định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

Theo điểm c Điều 2 Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (gọi tắt là Hiệp ước WPPT) mà Việt Nam là thành viên có định nghĩa định hình “là sự biểu hiện các âm thanh, hoặc sự tái hiện lại biểu hiện này, từ đó các âm thanh có thể được cảm nhận, được sao chép hoặc truyền đạt qua một thiết bị nào đó.” Tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan thì định hình được hiểu là: “sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt”. Vì vậy có thể hiểu, việc thực hiện cuộc biểu diễn thông qua chính hoạt động sáng tạo của người biểu diễn hoặc có sự kết hợp với một số các yếu tố có liên quan như màu sắc, bố cục, đường nét, hình khối, âm thanh để tạo nên cuộc biểu diễn. Trong hoạt động biểu diễn, tính sáng tạo của người biểu diễn là yếu tố quan trọng để hình thành nên hình tượng của họ, một trong các quyền nhân thân quan trọng mà pháp luật bảo hộ cho người biểu diễn.

Như vậy, bên cạnh căn cứ pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ, cuộc biểu diễn phải được định hình lần đầu, thể hiện sự sáng tạo của người biểu diễn và không gây tổn hại đến quyền tác giả. Khi đó, cuộc biểu diễn sẽ được bảo hộ bởi quyền liên quan một cách hoàn chỉnh nhất.

Trên đây là bài viết Cuộc biểu diễn phải đáp ứng các điều kiện nào để được bảo hộ?”. Mong bài viết có ích cho các bạn.