Thông thường, một tác phẩm khi được sáng tạo và định hình dưới dạng vật chất nhất định sẽ được tác giả hoặc chủ sở hữu đăng ký bảo hộ quyền tác giả để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên không phải tác giả hay chủ sở hữu nào cũng sẽ đăng ký bảo hộ bản quyền cho tác phẩm của mình ngay lập tức mà có thể vì một lý do nào đó hoặc có hành vi xâm phạm bản quyền nên họ mới đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Vậy một câu hỏi đặt ra là: Liệu những tác phẩm đã công bố đăng ký quyền tác giả như thế nào?
1. Tác phẩm đã công bố là gì?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Công bố tác phẩm là quyền nhân thân và là một trong những nội dung quan trọng của quyền tác giả. Tác giả (trong trường hợp đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm) có toàn quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình. Khi công bố tác phẩm, tác giả còn có quyền lựa chọn hình thức, loại hình nghệ thuật thích hợp với tác phẩm đó. Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan thì “Công bố tác phẩm, cuộc biểu diễn đã định hình, bản ghi âm, ghi hình là việc phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn đã định hình, bản ghi âm, ghi hình dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình. Tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm kiến trúc được coi là đã công bố nếu tác phẩm đó được đặt tại nơi công cộng với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả cho công chúng tiếp cận và có thể sao chép”.
Như vậy có thể hiểu, tác phẩm đã công bố là việc tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm phát hành bản sao tác phẩm đến công chúng, với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm.
2. Vấn đề pháp lý
2.1. Tác phẩm đã công bố có được đăng ký bản quyền tác giả không?
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy, đăng ký quyền tác giả là hình thức không bắt buộc, và ngay sau khi hoàn thành tác phẩm, mặc dù chưa tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền thì quyền tác giả vẫn phát sinh từ thời điểm đó.
Bên cạnh đó, tác phẩm ở đây phải đảm bảo có tính nguyên gốc do chính tác giả sáng tạo ra, không sao chép và bắt chước tác phẩm khác và được cụ thể hóa dưới dạng vật chất nhất định sẽ được bảo hộ quyền tác giả.
Pháp luật Việt Nam không quy định một tác phẩm được sáng tạo ra phải lập tức đăng ký quyền tác giả vì bản thân tác phẩm đó từ khi được hình thành đã có quyền tác giả. Vì vậy, tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, chỉ cần được định hình dưới dạng vật chất nhất định sẽ được đăng ký quyền tác giả. Tuy nhiên, việc đăng ký sẽ chứng minh và bảo về quyền và lợi ích của tác giả và chủ sở hữu như sau:
- Việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả sẽ đồng nghĩa với việc tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm, tránh những hành vi với mục đích thu lợi nhuận bất hợp pháp khác. Nếu người khác muốn sử dụng hoặc sao chép thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu.
- Một tác phẩm ngoài giá trị tinh thần song song đó là yếu tố thương mại đi kèm nếu như để các hành vi xâm phạm quyền tác giả đó tiếp tục xảy ra thì đây thực sự là một điều bất công với tác giả đã sử dụng chất xám của mình tạo ra tác phẩm.
- Trong thực tế việc chứng minh quyền sở hữu khi chưa được đăng ký bảo hộ là rất khó khăn. Đặc biệt là những tác phẩm đã được sáng tạo ra từ rất lâu. Đây chính là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao phải đăng ký bản quyền tác giả. Vì thông qua việc đăng ký bản quyền sẽ được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đây chính là tài liệu quan trọng nhất để chứng minh tác giả và chủ sở hữu của tác phẩm.
2.2. Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm đã công bố như thế nào?
Hiện nay, pháp luật Sở hữu trí tuệ không quy định cụ thể các bước tiến hành đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã công bố mà chỉ quy định về việc đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả với tác phẩm nói chung theo Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan ngày 26/04/2023. Về cơ bản, việc đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã công bố sẽ theo trình tự thủ tục được nêu trong Điều 38 và 39 Nghị định 17/2023/NĐ – CP, và hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu tương ứng tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan).
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả: 01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả và 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
- Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
- Các tài liệu khác tùy theo từng trường hợp.
Tuy nhiên, khi đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã công bố, cần lưu ý điền thông tin ở Tờ khai đăng ký quyền tác giả. Theo đó, đối với mục tác phẩm đăng ký sẽ có hai hình thức cần điền là đã công bố và chưa công bố, đối với tác phẩm đã công bố thì sẽ điền vào mục đã công bố. Ở đây, tác giả và chủ sở hữu phải điền thêm thông tin đầy đủ về ngày công bố, hình thức công bố (hình thức phát hành bản sao như xuất bản, ghi âm, ghi hình), nơi công bố ở tỉnh thành và quốc gia nào. Việc cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ ở mục này sẽ là căn cứ để chuyên viên Cục Bản quyền rà soát và đánh giá tác phẩm một cách tốt nhất, để bảo đảm tối ưu quyền và lợi ích của tác giả và chủ sở hữu.
3. Kết luận
Thực tế hiện nay càng ngày càng có nhiều tác giả và chủ sở hữu đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm đã công bố của mình. Vì vậy, việc nắm rõ quy định pháp luật là điều rất cần thiết.
Trên đây là bài viết: “Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm đã công bố như thế nào?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.