Việc đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm đã và đang trở thành một thủ tục tất yếu khi vấn đề xâm phạm bản quyền, sử dụng mà không xin phép sự đồng ý của tác giả diễn ra ngày một phổ biến. Tuy nhiên, thực tế việc đăng ký quyền tác giả là một thủ tục phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, dẫn đến thực trạng nhiều tác giả hay các chủ thể khác đăng ký thường sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung khai thác một vài khó khăn thực tế khi đăng ký quyền tác giả.

1. Thủ tục đăng ký quyền tác giả

Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Theo đó, quyền tác giả được bảo hộ khi thỏa mãn 02 điều kiện: (1) có tính định hình, được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định; (2) có tính nguyên gốc, tác phẩm đó phải được sáng tác lần đầu tiên và được chính tác giả đó sáng tác.

Hiện nay, việc đăng ký quyền tác giả sẽ dựa trên Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022); Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Thông tư 08/2023 quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

  • Xác định thể loại tác phẩm đăng ký

Trước khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả, chủ sở hữu, tác giả thực hiện phải xác định thể loại tác phẩm dự định đăng ký thuộc trường hợp tác phẩm nào theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

  • Chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Sau khi xác định được loại hình tác phẩm dự định đăng ký bàn quyền, chủ sở hữu, tác giả tác phẩm tiến hành soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền theo quy định pháp luật.

Về cơ bản, khi đăng ký bản quyền tác giả, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu (bằng tiếng Việt) như sau:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu tương ứng tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan).
  • Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả. Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
  • Trường hợp tác giả, chủ sở hữu ủy quyền cho tổ chức khác thì phải có thêm giấy ủy quyền, còn nếu ủy quyền cho cá nhân khác thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung;
  • Chứng minh nhân dân công chứng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
  • Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Có ba con đường để nộp hồ sơ đăng ký bản quyền: (1) nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền; (2) nộp qua đường bưu điện; (3) nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

2. Một số khó khăn thực tế khi đăng ký quyền tác giả

Tuy việc đăng ký quyền tác giả đã và đang trở phổ biến nhưng trên thực tế, việc đăng ký này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn:

Thứ nhất, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký chậm hơn so với quy định. Theo quy định của pháp luật, thời gian để Cục Bản quyền xử lý, tra soát tính hợp lệ của hồ sơ là 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Tuy nhiên một thực trạng chung các hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm, đơn giản như tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm viết, tác phẩm nhiếp ảnh … thì thời gian thực hiện trên thực tế thường cũng phải kéo dài đến hơn một tháng, hoặc thậm chí là hơn hai tháng. Điều này có lẽ một phần cũng xuất phát từ việc lượng hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả ngày càng tăng qua các năm dẫn đến quá tải.

Thứ hai, tên và nội dung của tác phẩm đăng ký bảo hộ với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cần lưu ý loại bỏ từ “biểu ngữ” hay “slogan” ra khỏi tên tác phẩm. Trong khoảng 2-3 năm trở lại ây Cục bản quyền thường không được chấp thuận các tác phẩm đăng ký chứa các cụm từ trên với lý do, việc bảo hộ quyền tác giả không bảo hộ “slogan”.

Thứ ba, hệ thống tra cứu các hồ sơ đã đăng ký bản quyền còn sơ khai. Hiện tại, các tác phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ có thể tra cứu được trên một kênh duy nhất là tại mục tra cứu niên giám trên website của cục bản quyền. So với các kênh tra cứu về sở hữu công nghiệp thì tra cứu này còn quá thô sơ và lượng thông tin được cập nhật vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tra cứu của khách hàng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một vài khó khăn còn tồn tại như:

  • Quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và giấy tờ liên quan rất khó để tự tìm hiểu và chuẩn bị. Hồ sơ tiến hành đăng ký có thể không hợp lệ, thiếu, thậm chí là sai gây nên mất thời gian cho quá trình giải quyết sau này;
  • Các trường hợp ở xa không thuận tiện đi lại, nộp phí đăng ký qua hình thức chuyển khoản sau đó nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền. Đây là quá trình gây ra nhiều vấn đề phát sinh nhất mà chủ thể tiến hành cần giải quyết vì sẽ không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ phía cơ quan chức năng;
  • Nộp hồ sơ xong cần theo dõi tình trạng của hồ sơ đăng ký để kịp thời trả lời bằng văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có vấn đề phát sinh.
  • Khó khăn để tiến hành hoàn thiện và bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan có nhiều lợi ích là vậy, thêm vào đó hướng dẫn về thủ tục và hồ sơ đăng ký quyền tác giả quyền liên quan cũng được cục bản quyền đăng tải rất chi tiết trên website của cục bản quyền đã tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân trong quá trình xác lập quyền tác giả. Quy định về việc đăng ký quyền tác giả giấy trắng mực đen đơn giản là thế nhưng đến khi đăng ký quyền tác giả trên thực tế mới thấy những bất cập và khó khăn. Vì vậy, để tránh mất nhiều thời gian, tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm nên tìm đến các tổ chức dịch vụ, tư vấn có kinh nghiệm để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Trên đây là bài viết: “Đăng ký quyền tác giả và một số khó khăn thực tế”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.