Hiện nay, báo chí tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Vì những ưu điểm nổi bật của mình nên loại hình này hiện nay đang bị xâm phạm quyền tác giả một cách đáng báo động. Vì vậy việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, không phải mọi tác phẩm báo điện tử nào cũng đều được bảo hộ mà chỉ có những tác phẩm báo điện tử đáp ứng một số tiêu chí nhất định mới là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Bài viết dưới đây, Bản Quyền Việt Nam sẽ gửi tới bạn đọc nội dung các điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử ở Việt Nam hiện nay.
I. Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử là gì?
Báo điện tử là loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang website và phát hành dựa trên nền tảng internet. Báo điện tử được xuất bản bởi tòa soạn điện tử, còn người đọc báo dựa trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng… có kết nối internet.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì quyền tác giả nói chung được hiểu như một tập hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo khái niệm trên, có thể hiểu, luật thừa nhận hai chủ thể có quyền tác giả là tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định này thì cá nhân có thể là chủ sở hữu quyền tác giả hay tác giả của tác phẩm hoặc cả hai tư cách đó.
Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm báo điện tử là tổng hợp các chế định pháp lý nhằm bảo hộ bằng pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử. Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm điện tử tạo điều kiện cần thiết các chủ thể quyền tác giả được hưởng đầy đủ quyền và lợi vật chất, đồng thời, còn giúp cho chủ thể tránh khỏi những hành vi xâm phạm có thể xảy ra, tạo động lực để thực hiện sứ mệnh phát triển nền kinh tế tri thức.
II. Điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử ở Việt Nam
Theo luật pháp Việt Nam, không phải mọi tác phẩm báo điện tử nào cũng đều được bảo hộ mà chỉ có những tác phẩm báo điện tử đáp ứng một số tiêu chí nhất định mới là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ khi nội dung của tác phẩm báo điện tử không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, không có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia.
Điều 9 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định, tác phẩm báo chí được bảo hộ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
Theo đó, để được công nhận là tác giả đối với tác phẩm báo điện tử cần phải thỏa mãn các tiêu chí cụ thể:
Một là, tiêu chí về tính nguyên thủy (hay còn gọi là tính gốc của sáng tạo thể hiện tác phẩm báo điện tử). Tính nguyên thủy có nghĩa là sự sáng tạo của chính tác giả, không sao chép toàn bộ hoặc một phần cơ bản từ tác phẩm khác, bao gồm: (i) Tính sáng tạo, không phải là cách sắp xếp diễn đạt đơn thuần, bắt chước cách diễn đạt, thể hiện ngôn từ, màu sắc, khuôn mẫu có sẵn trong tác phẩm của người khác; (ii) Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ phải là bản gốc (bản đầu tiên của tác phẩm do tác giả sáng tạo ra; (iii) Bảo đảm tính toàn vẹn của tác phẩm báo điện tử.
Hai là, tiêu chí về định hình dưới một dạng vật chất nhất định.
Ba là, tiêu chí về phạm vi chủ thể thông thường được xác định trên cơ sở pháp luật nơi thực hiện hành vi sáng tác hoặc công bố tác phẩm.
Để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử thì phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử phải bảo đảm tính nguyên gốc tức là tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ bất cứ một tác phẩm của người khác; (ii) Chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm báo điện tử chứ không bằng nội dung lý tưởng, điều này có nghĩa là tác phẩm báo điện tử về bảo hộ phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định, những tác phẩm báo điện tử mới chỉ là ý tưởng chưa được sáng tạo cụ thể thì không được bảo hộ.
Cơ chế bảo hộ tác phẩm báo điện tử được xác lập tự động sau khi tác phẩm được hoàn thành, việc nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của mình, đề phòng trường hợp xảy ra tranh chấp, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện đăng ký quyền tác giả ngay sau khi hoàn thành tác phẩm. Bởi lẽ, trên thực tế, việc chứng minh quyền tác giả khi chưa đăng ký bảo hộ là rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, chi phí và công sức, trong khi đó nếu xảy ra tranh chấp thì tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là tài liệu quan trọng, cơ bản nhất để chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm, do đó các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện thủ tục đăng ký sớm nhất có thể.
Trên đây là nội dung bài viết “Điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử ở Việt Nam hiện nay”. Bản Quyền Việt Nam hy vọng bài viết này có ích với bạn đọc.
Trân trọng.