Hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Tình trạng này bao gồm nhiều hình thức vi phạm khác nhau, từ hát không xin phép, trích nhạc tràn lan đến tổ chức các chương trình ca nhạc không trả phí cho bản quyền tác giả. Đặc biệt hơn nữa, những tranh chấp bản quyền cũng diễn biến khá phức tạp khi mà các Bên tranh chấp không tìm được tiếng nói chung trong cơ chế giải quyết. Vậy giải quyết tranh chấp bản quyền âm nhạc như thế nào?. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Tại sao xảy ra tranh chấp bản quyền âm nhạc
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc được hiểu là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Do đó, bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.
Tranh chấp bản quyền âm nhạc là các bất động, xung đột hoặc mâu thuẫn giữa các bên liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền phân phối hoặc quyền lơi khác liên quan đến các tác phẩm âm nhạc.
Các tranh chấp bản quyền âm nhạc thường phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Ý thức tuân thủ Bản quyền âm nhạc của các đơn vị tổ chức chương trình chưa thực sự cao:
- Thiếu nhận thức: Nhiều đơn vị tổ chức chương trình không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tuân thủ bản quyền âm nhạc. Phí bản quyền nên được coi là một phần tất yếu của chương trình, tương tự như phí trả cho ca sĩ hoặc đơn vị cho thuê địa điểm.
- Trì hoãn đàm phán bản quyền: Nhiều chương trình đã diễn ra hoặc sát ngày diễn nhưng vẫn chưa mua bản quyền hoặc chưa đàm phán xong về mặt bản quyền.
Sự chưa quyết liệt của các tác giả và cơ quan quản lý trong việc bảo hộ quyền tác giả:
- Thiếu khởi kiện: Mặc dù pháp luật đã cho phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các đơn vị đại diện khởi kiện yêu cầu để chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng thực tế rất ít hoặc không có vụ tranh chấp nào được đưa ra tòa án.
- Khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại: Theo quy định của pháp luật, việc chứng minh thiệt hại là một điều khó khăn, điều này làm giảm khả năng khởi kiện của các bên bị vi phạm.
Hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính chưa cao:
- Mức phạt chưa đủ răn đe: Mức phạt đối với tổ chức vi phạm bản quyền tối đa là 500 triệu đồng và đối với cá nhân là 250 triệu đồng. Tuy nhiên, các quyết định xử phạt hành chính chưa được công bố rộng rãi, do đó, tính răn đe của biện pháp này chưa cao.
2. Giải quyết tranh chấp bản quyền âm nhạc
Pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã trao cho tác giả và hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan các quyền tự bảo vệ trước các hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc của mình bằng cách lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau như: ứng dụng công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm, đăng ký bản quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo vệ pháp lý và có chứng cứ pháp lý…
Khi có tranh chấp bản quyền âm nhạc xảy ra, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nên trực tiếp liên hệ với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng về mặt pháp lý. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan VCD là tổ chức tập thể quyền đại diện cho khách hàng giải quyết các tranh chấp liên quan đến bản quyền đặc biệt là bản quyền âm nhạc cả trong và ngoài nước. VCD sẽ thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1: Xác định hành vi xâm phạm bản quyền
- VCD sẽ đại diện cho khách hàng xem xét và đánh giá hành vi xâm phạm bản quyền, từ đó có được những hướng giải quyết ban đầu cho khách hàng. Cụ thể, các công việc bao gồm:
- Xem xét và đánh giá hợp đồng bản quyền do khách hàng cung cấp: VCD sẽ xem xét các điều khoản trong hợp đồng bản quyền để xác định các hành vi vi phạm.
- Lập vi bằng nguồn chứng cứ vi phạm: Thu thập và lập vi bằng các chứng cứ về hành vi vi phạm bản quyền.
- Gửi nội dung vi phạm đến Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan tới Cục Bản quyền tác giả: đề nghị tiến hành giám định để xác định hành vi xâm phạm.
Bước 2: Đại diện giải quyết tranh chấp Bản quyền dựa trên tinh thần hợp tác
- Gửi thư khuyến cáo: Gửi thư khuyến cáo đến bên tranh chấp với khách hàng, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.
- Tổ chức gặp mặt trực tiếp: Sắp xếp buổi gặp mặt trực tiếp để thương lượng và hòa giải với bên tranh chấp, đảm bảo tinh thần thiện chí và hợp tác.
Bước 3: Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
- Nếu thương lượng và hòa giải không thành công, VCD sẽ thực hiện các bước sau:
- Gửi hồ sơ yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính: Nộp hồ sơ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với bên tranh chấp đó.
- Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm: Yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Khởi kiện vụ việc tranh chấp theo thủ tục tố tụng
- Nếu khách hàng có yêu cầu, VCD sẽ là đại diện khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại: Nộp đơn khởi kiện và tham gia các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
- Gửi hồ sơ sang cơ quan Công an: Nếu phát hiện có yếu tố hình sự, gửi hồ sơ để cơ quan Công an khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
VCD thấy rằng tình trạng vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho các tác giả và ngành công nghiệp âm nhạc. Để khắc phục tình trạng này, cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt, cũng như áp dụng các công nghệ hiện đại để bảo vệ quyền tác giả.