Giải quyết tranh chấp phát sinh từ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Những tranh chấp này không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và người sử dụng, mà còn liên quan đến các quy định pháp lý phức tạp giữa các quốc gia. Việc giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên liên quan mà còn góp phần xây dựng niềm tin trong môi trường sáng tạo. Vậy, giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài là gì?. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.

1. Giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài là gỉ?

Quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam là quyền của tổ chức hoặc cá nhân đối với các tác phẩm mà họ sáng tạo hoặc sở hữu. Quyền này phát sinh ngay khi tác phẩm được tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Điều này không phụ thuộc vào nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ của tác phẩm, cũng như việc tác phẩm đã được công bố hay chưa, hoặc đã được đăng ký hay chưa.

Tranh chấp quyền tác giả là sự tranh chấp về quyền lợi giữa các chủ thể liên quan đến quyền tác giả. Cụ thể theo khoản 1 Mục I Phần A Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP bao gồm: Giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và tác phẩm phái sinh; giữa các đồng tác giả về quyền đồng tác giả, giữa cá nhân và tổ chức về quyền sở hữu tác phẩm, giữa chủ sở hữu quyền tác giả và tác giả về tiền nhuận bút, thù lao,…

Giải quyết tranh chấp về quyền tác giả có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc tòa án giải quyết những tranh chấp về quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan đến quyền tác giả, trong đó có ít nhất một trong các bên đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc các quan hệ quyền tác giả phát sinh giữa các công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc có liên quan đến quan hệ ở nước ngoài.

Giải quyết tranh chấp phát sinh từ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài

Tranh chấp phát sinh từ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài với bản chất là tranh chấp dân sự có những đặc thù cơ bản là: tính phức tạp, tính đa quốc gia, tính bảo mật,… Pháp luật Việt Nam đã sớm xác định được vị trí, vai trò của tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền tác giả, từ đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng thủ tục tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các tranh chấp dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 26 và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với mục đích lợi nhuận theo Điều 30. Những tranh chấp này đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Cụ thể, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 35 thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, các tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài cũng sẽ được giải quyết bởi Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

3. Xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài.

Đầu tiên, nếu Việt Nam và quốc gia nơi diễn ra tranh chấp quyền tác giả đều là thành viên của một Điều ước quốc tế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, hoặc nếu một bên trong tranh chấp có quốc tịch của quốc gia đó, thì Điều ước quốc tế sẽ được áp dụng cho các tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế cho phép các bên lựa chọn pháp luật áp dụng, thì pháp luật sẽ được xác định dựa trên sự lựa chọn của các bên liên quan.

Nếu không có Điều ước quốc tế thì việc xác định pháp luật áp dụng đối với tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài căn cứ vào Điều 679 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ”. Điều này có nghĩa là pháp luật áp dụng cho tranh chấp sẽ là pháp luật của quốc gia nơi quyền tác giả bị xâm phạm, và chủ sở hữu phải yêu cầu bảo hộ tại quốc gia đó. Đặc biệt, quyền tác giả tại quốc gia này cần phải được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ để chủ sở hữu có thể yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình; tức là, chỉ khi có sự bảo hộ hợp pháp, pháp luật của quốc gia đó mới được áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Trên đây là bài viết “Giải quyết tranh chấp phát sinh từ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam”mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,