Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với các tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và blockchain, đã mang lại nhiều cơ hội và thách thức trong việc bảo hộ quyền tác giả. Các tiến bộ này đòi hỏi việc điều chỉnh và cập nhật các quy định về quyền tác giả, bao gồm các ngoại lệ, để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các chủ thể sáng tạo và công chúng trong xã hội hiện đại. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về giám định quyền tác giả, quyền liên quan.
1. Khái niệm và nguyên tắc giám định quyền tác giả, quyền liên quan
Luật sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 4 về khái niệm Quyền tác giả, Quyền liên quan như sau:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Do đó, giám định quyền tác giả và quyền liên quan được hiểu là quá trình kiểm tra, đánh giá và xác định tính hợp pháp của quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, cũng như các quyền liên quan đến quyền tác giả như quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng. Quá trình này thường được thực hiện bởi các chuyên gia hoặc tổ chức có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp hoặc để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
- Nguyên tắc giám định quyền tác giả,quyền liên quan được quy định tại khoản 3 Điều 92 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan
…
3. Nguyên tắc giám định về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ nguyên tắc giám định quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện theo 5 nguyên tắc dưới đây:
Nguyên tắc thực hiện giám định bao gồm:
a) Tuân thủ pháp luật, tuân theo trình tự, thủ tục giám định;
b) Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời;
c) Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định;
đ) Chi phí giám định được xác định theo thỏa thuận giữa người có yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định.
- Tại khoản 1 Điều 95 Nghị định 17/2023 như sau:
Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan
Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2 và 2a Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định của pháp luật có liên quan và được cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Giấy chứng nhận tổ chức giám định).
Kết hợp với quy định tại Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ thì tổ chức giám định quyền tác giả quyền liên quan là tổ chức đáp ứng các điều kiện sau:
- Có ít nhất 1 cá nhân có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ;
- Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ;
- Được cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (Giấy chứng nhận tổ chức giám định).
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định quyền tác giả quyền liên quan
- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 95 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan
…
2. Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền sau đây:
a) Thuê giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện giám định theo các vụ việc;
b) Đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Tại khoản 3 Điều 95 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy định về nghĩa vụ của tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan
…
3. Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan có các nghĩa vụ sau đây:
a) Hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và Giấy chứng nhận tổ chức giám định;
b) Thực hiện việc giám định theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;
c) Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc giám định;
d) Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp tiết lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có liên quan;
đ) Từ chối tiếp nhận và thực hiện giám định trong trường hợp pháp luật khác có quy định bắt buộc phải từ chối giám định;
e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động giám định theo định kỳ 6 tháng và hàng năm bằng văn bản gửi về cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, khi thực hiện hoạt động giám định, cần tuân theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điểm b khoản 78 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
Giám định về sở hữu trí tuệ
…
4. Nguyên tắc thực hiện giám định bao gồm:
a) Tuân thủ pháp luật, tuân theo trình tự, thủ tục giám định;
b) Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời;
c) Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định;
đ) Chi phí giám định được xác định theo thỏa thuận giữa người có yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan được xác định theo nội dung nêu trên.
3. Hồ sơ giám định quyền tác giả quyền liên quan
- Văn bản yêu cầu giám định trong đó gồm những nội dung chủ yếu sau
- Tên và địa chỉ của các nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định;
- Số CMND hoặc số quyết định thành lập hoặc số giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, ngày cấp, nơi cấp của cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định;
- Số điện thoại, Fax, E-mail của cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định;
- Tư cách yêu cầu giám định (tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả; chủ sở hữu quyền liên quan; người có quyền, lợi ích liên quan; tư cách khác);
- Căn cứ yêu cầu giám định;
- Nội dung yêu cầu giám định;
- Các nội dung liên quan khác.
- Các tài liệu kèm theo:
- Các mẫu cần giám định
- Các tài liệu chứng minh về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan;
Qua đây VCD thấy rằng giám định quyền tác giả và quyền liên quan là một quá trình quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả và các chủ thể liên quan. Việc thực hiện giám định đúng đắn và chính xác không chỉ giúp giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả mà còn đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Sự kết hợp giữa chuyên môn của các chuyên gia và ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của quá trình giám định.