Trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, việc chia sẻ và sử dụng nguồn tài liệu là rất cần thiết để thúc đẩy tri thức và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền tác giả cũng đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho tác giả và khuyến khích sáng tạo. Chính vì vậy, giới hạn quyền tác giả trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu trở thành một vấn đề đáng được lưu ý. Vậy quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.

 1. Khái niệm

Giảng dạy được hiểu là trình bày kiến thức, truyền thụ tri thức một cách cụ thể cho người khác hiểu. Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn (khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).

Đặc điểm chung trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học là việc khai thác, sử dụng các tác phẩm đã được công bố. Việc khai thác, sử dụng này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau và đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Giới hạn quyền tác giả trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học được hiểu là việc sử dụng tác phẩm trong quá trình truyền đạt kiến thức, sáng tạo, tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng, xã hội mà người sử dụng không cần xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, có thể không phải trả thù lao không được ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Giới hạn quyền tác giả trong trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học

2. Quy định về giới hạn quyền tác giả đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Pháp luật về quyền tác giả ghi nhận những đóng góp về văn học, nghệ thuật và nghiên cứu khoa học của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bằng cách dành cho họ những độc quyền khai thác, sử dụng thành quả sáng tạo, đầu tư của minh.  Nhằm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền tác giả và lợi ích công cộng pháp luật sở hữu trí tuệ quy định các ngoại lệ của độc quyền hay còn gọi là các hạn chế của quyền tác giả đối với một số hành vi sử dụng, khai thác quyền tác giả.

Việc giới hạn thể hiện ở chỗ trong những trường hợp nhất định thì cá nhân, tổ chức khác có quyền sử dụng tác phẩm được công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc sử dụng tác phẩm được công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 và Điều 26 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành). Đối tượng áp dụng trong trường hợp này là các tác phẩm đã được công bố.

Trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:

  • Đối với quy định tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân:  Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, ngoài việc tuân thủ theo nguyên tắc chung trong việc sử dụng tác phẩm là không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm và không gây phương hại đến quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì việc sao chép tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút chỉ được tiến hành khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:tự thực hiện hành vi sao chép; và chỉ được sao chép một bản và chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cá nhân.
  • Đối với quy định sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Hoạt động của thư viện luôn gắn liền với vấn đề bảo hộ quyền tác giả, bởi lẽ xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của thư viện được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật thư viện 2019.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 nghị định 17/2023/ND-CP: Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá ba bản để bảo quản, với điều kiện các bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ. Theo quy định nêu trên đối với việc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện cũng giới hạn ở số lượng bản sao là ba bản và phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn mục đích là không nhằm mục đích thương mại.

Trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao:

  • Pháp luật cho phép chủ thể khác được sử dụng tác phẩm trong một số trường hợp nhất định mà không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải trả tiền thù lao cho việc sử dụng. Điều 26 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về trường hợp này. Đây là ngoại lệ dành riêng cho tổ chức phát sóng, hành vi phát sóng được coi là truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Do đó pháp luật sở hữu trí tuệ đã quy định khi cá nhân nhân, tổ chức thực hiện phát sóng thì cần phải trả một khoản tiền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Các tổ chức phát sóng khi sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng dù là có tài trợ, quảng cáo, thu tiền hay không thì đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Điểm khác nhau được thể hiện ở mức nhuận bút, thù lao.

Trên đây là bài viết “Giới hạn quyền tác giả trong trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học”mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,