Sách “lậu” có thể được người tiêu dùng sử dụng một cách vô tình, hoặc cố ý. Đôi khi do người mua không để ý, hoặc sử dụng vì sách lậu sẽ có giá thành rẻ hơn và dễ mua hơn. Tuy nhiên, dù sử dụng vô tình hay có chủ đích, sách lậu đều gây một hậu quả tới người tiêu dùng nói riêng và quyền tác giả nói chung. Bài viết sau của VCD sẽ nêu rõ hơn những hệ quả của sách “lậu” đối với tác quyền.

1. Sách “lậu” là gì?

Sách lậu có thể được hiêu là sách in ấn và phát hành trái pháp luật, tức là không có văn bản hợp pháp chứng minh nguồn gốc tác phẩm và quyền sở hữu đối với tác phẩm trong phạm vị thị trường tối thiểu là Việt Nam, và/hoặc không có giấy phép đăng ký xuất bản hợp pháp.

Theo Khoản 4 Điều 213 Luật SHTT quy định “Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.”

Cũng theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả tại Điểm g Khoản 1 Điều 66: “Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm: Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật

Vậy nên, hành vi làm sách lậu được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Tại sao sách lậu ngày càng có phát triển như vậy?

Việc sản xuất và buôn bán sách lậu giúp các nhà sản xuất thiếu uy tín mờ mắt vì lợi nhuận khổng lồ, đồng thời, người tiêu dùng cũng mua nhiều vì lý do đơn giản – rẻ

Thứ nhất, sách lậu không mất tiền mua bản quyền. Nếu là sách mua bản quyền từ nước ngoài, các công ty sách phải trả thêm tiền dịch, tiền hiệu đính, mà nhiều khi những khoản tiền này không hề nhỏ. Người làm sách giả, sách lậu không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… nên có thể tiết kiệm rất nhiều khoản chi phí.

Thứ hai, sách lậu, sách giả thường kém chất lượng. Họ thường chọn loại giấy xấu hơn, mỏng hơn, kém chất lượng hơn, khổ nhỏ hơn… Tất cả điều này làm giá thành cuốn sách thấp hơn.

Thứ ba, Những xưởng in tư nhân in sách lậu thường là những xưởng in nhỏ, nằm ở vùng xa xôi, với thiết bị máy móc lạc hậu, cũ nát, kém chất lượng. Trong trường hợp bị bắt, bị tịch thu tang vật, chi phí cũng không quá lớn. Những công ty in có uy tín, nằm trong thành phố, thường sẽ có chi phí in ấn cao hơn và đa số đều phải xin giấy phép xuất bản trước khi in sách.

Ngoài ra, ta cũng có thể thấy, việc sách lậu vẫn phát triển và sống tốt trên thị trường một phần cũng là do độc giả nhiều lúc chưa phân biệt được sự khác biệt. Nếu không phải người thường xuyên đi nhà sách, nhiều độc giả hay mua sách theo kiểu “gặp đâu mua đó” và tình trạng này rất dễ đến việc độc giả có thể mua phải sách lậu mà không biết.

3. Hệ quả của sách “lậu” đối với tác quyền

  • Hệ quả của việc sử dụng sách “lậu” đối với độc giả

Người mua sách lậu bị thiệt hại vì bỏ tiền mua 1 sản phẩm kém chất lượng. Sách bị sao chụp mờ khiến chữ nhòe, đứt nét, màu sắc không đồng đều, sử dụng chất lượng thấp, dễ hư hỏng… Thậm chí, do sản xuất cẩu thả, không kiểm duyệt nội dung, nhiều khi dịch không sát ý của tác giả dẫn đến những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức.

Mà mối nguy hại lớn nhất mà sách lậu, sách giả mang lại chính là việc mọi người chấp nhận sách lậu, nghĩa là đang chấp nhận thói ăn cắp tri thức, chấp nhận những cuốn sách sai lệch về nội dung và yếu kém về hình thức.

  • Hệ quả của việc sử dụng sách “lậu” đối với tác giả

Về phía tác giả, họ là những người chịu thiệt hại nặng nề. Ta được biết các tác giả được hưởng tiền bản quyền từ số sách bán được. Nếu sách lậu được sản xuất lan tràn, công ty hay nhà xuất bản giữ bản quyền bán quyền cuốn sách không bán được sách và như vậy cũng không thể trả nhiều tiền bản quyền cho tác giả.

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho các tác giả nản lòng. Nếu công sức, tâm huyết mình bỏ ra không có những thành quả xứng đáng thì liệu các tác giả uy tín có còn muốn chuyên tâm viết sách nữa hay không?

  • Hệ quả của việc sử dụng sách “lậu” đối với nhà xuất bản

Thiệt hại về phía các công ty sách và các nhà xuất bản thì đã rõ, họ bị tổn thất cả về kinh tế và uy tín. Nhà xuất bản bỏ tiền ra mua bản quyền, thuê người dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết với bao công sức và trí tuệ nhưng lại bị cướp trắng trợn, bị hớt tay trên.

Doanh thu của hoạt động xuất bản đóng góp cho nền kinh tế không nhiều nhưng đây là ngành giúp nâng cao giáo dục, văn hóa và dân trí. Một tập sách đúng quy trình, từ khâu tiếp nhận bản thảo đến lúc ra sách, ít nhất cũng phải mất nửa năm, qua sự thẩm định phê duyệt của các cấp quản lý mới được xuất bản. Công sức đó đều vì sách “lậu” mà trở thành vô ích.