Tác phẩm âm nhạc là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là một trong những việc làm cần thiết để tránh những hành vi xâm phạm đến tác giả và tác phẩm. Đăng ký bản quyền tác giả online là một trong những thủ tục hành chính được Chính phủ chủ trương chuyển đổi từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, khi các ngành dịch vụ, thương mại online… ngày càng phát triển thì việc đăng ký bản quyền online mới được triển khai thông qua cổng trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vậy, đăng ký quyền tác giả online đối với tác phẩm âm nhạc như nào mời các bạn theo dõi bài viết “Hướng dẫn đăng ký bản quyền bài hát online” dưới đây của VCD.

1. Tại sao nên đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Có thể nói trong vài năm trở lại đây, những sản phẩm âm nhạc của Việt Nam vướng phải nhiều nghi vấn đạo nhái, sử dụng tác phẩm của chủ thể khác mà chưa được cho phép, và có thể nói rằng tác phẩm âm nhạc là một trong những đối tượng bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất. Vì vậy, đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc là cách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những người sáng tác, sản xuất hoặc sở hữu bản quyền âm nhạc. Sau khi đăng ký bản quyền, chủ sở hữu sẽ có quyền kiểm soát việc sao chép, phân phối, sử dụng hoặc bán nhạc của họ. Cụ thể là:

  • Đăng ký bảo hộ quyền tác giả là cách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tác, sản xuất hoặc sở hữu bản quyền âm nhạc, tránh bị sao chép, phát hành hoặc sử dụng trái phép.
  • Đăng ký bản quyền sẽ giúp chủ sở hữu có chứng cứ pháp lý để chống lại việc sao chép và vi phạm bản quyền. Nếu có bất kỳ ai vi phạm bản quyền, chủ sở hữu có thể đưa ra các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
  • Bằng cách đăng ký bản quyền, chủ sở hữu sẽ có quyền kiểm soát việc phát hành và sử dụng nhạc của họ, từ đó có thể kiếm được tiền bản quyền từ các bản sao, sử dụng thương mại và cả quyền phát sóng.
  • Đăng ký quyền tác giả cũng giúp tăng giá trị thương hiệu của nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc hoặc công ty âm nhạc. Điều này có thể thu hút nhiều khán giả và doanh nghiệp, tăng doanh thu và cải thiện vị trí thị trường của họ.

2. Thế nào là đăng ký quyền tác giả online?

Đăng ký quyền tác giả online là hoạt động nhằm đánh dấu quyền sở hữu của mình đối với tác phẩm. Việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả sẽ đồng nghĩa với việc tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký bản quyền tác giả online hoặc trực tiếp

Khoản 1 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung) quy định: “Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.”

Trên thực tế, các tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả online thường được thể hiện dưới dạng: bài hát, bài thơ, truyện, chương trình máy tính, tác phẩm nghệ thuật: logo, bức tranh, ảnh chụp; video; phim

Hướng dẫn đăng ký bản quyền bài hát online

3. Trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc online

3.1. Hồ sơ chuẩn bị

Hiện tại, đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc online là một bước trong thủ tục đăng ký quyền tác giả. Do vậy, hồ sơ nộp online phải chuẩn bị đầy đủ và khớp với hồ sơ giấy khi gửi đến Cục bản quyền. Về cơ bản, một bộ hồ sơ sẽ bao gồm: Tờ khai, Giấy cam đoan, bản photo CMND (hoặc hộ chiếu, Căn cước công dân, Đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập) của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, Quyết định giao việc hoặc xác nhận giao việc nếu tác giả được giao việc để làm tác phẩm, Giấy ủy quyền nếu ủy quyền cho người khác làm hồ sơ… Các tài liệu hồ sơ đăng ký phải được lập bằng tiếng việt, trường hợp bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng việt và có công chứng/ chứng thực.

Lưu ý: đối với tác phẩm âm nhạc có thể được sáng tạo bởi một tác giả hay nhiều tác giả; nhiều trường hợp tác giả chỉ là người được thuê sáng tạo ra tác phẩm (không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả). Vì vậy, đối với mỗi bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả cần chuẩn bị đầy đủ văn bản và điền đầy đủ thông tin, nếu không Cục Bản quyền có thể từ chối hồ sơ đó.

3.2. Trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc online

Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc online hiện nay được triển khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là Cục bản quyền. Thủ tục này là dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3.

Bước 1: Truy cập đường link https://dichvucong.bvhttdl.gov.vn/ . Chọn cơ quan là “Cục Bản quyền tác giả”, màn hình sẽ hiển thị nhiều thủ tục hành chính liên quan đến bản quyền. Nếu bạn nộp hồ sơ đăng ký bản quyền thì chọn mục “Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” và chọn “nộp hồ sơ”. Trường hợp đã có tài khoản trên Cổng thông tin này, nhập tài khoản và tiến hành khai thông tin hồ sơ; trường hợp chưa có tài khoản, nhấn đăng ký để lập tài khoản mới.

Bước 2: Hệ thống sẽ chuyển đến giao diện trang chủ ban đầu, chọn “Cục Bản quyền tác giả” và chọn thủ tục “Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả”, chọn “nộp hồ sơ” và nhập tài khoản đăng nhập vào hệ thống. Cần điền các thông tin đăng ký như là:

  • Chọn người đứng tên hồ sơ: là cá nhân hay công ty;
  • Điền thông tin giấy tờ thể hiện thông tin như CMND/Hộ chiếu/CCCD (đối với cá nhân) hoặc Giấy đăng ký kinh doanh (nếu là công ty);
  • Thông tin liên hệ như Địa chỉ, số điện thoại, email.

Bước 3: Chọn nút “nhập nội dung đăng ký” và điền thông tin đăng ký bao gồm:

  • Tên tác phẩm âm nhạc
  • Tên tác giả
  • Chủ sở hữu bản quyền

Bước 4: Chọn mục “Đính kèm hồ sơ đăng ký”. Tùy thuộc vào từng loại hồ sơ mà cần có các tài liệu đính kèm tương ứng như trên. Trường hợp muốn đính kèm thêm các tài liệu khác thì chọn nút “thêm giấy tờ”.

Bước 5: Sau khi đính kèm xong hồ sơ, ấn “Chọn hình thức nộp hồ sơ và trả kết quả”. Nếu muốn nhận kết quả tại cục bản quyền tác giả thì chọn “Trả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”. Nếu muốn nhận qua đường bưu điện, chọn “Nhận bưu điện” và điền địa chỉ cụ thể.

Bước 6: Chọn “Gửi hồ sơ” và hoàn tất việc đăng ký.

Lưu ý: Sau khi khai thông tin online, vẫn cần phải nộp hồ sơ gốc đến Cục Bản quyền tác giả.

Trên đây là bài viết: “Đăng ký bản quyền bài hát online”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.