Đối với các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên mạng internet, các chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy nhập vào thông tin đang xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đó. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, khi đưa ra yêu cầu, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan đồng thời cũng phải đưa ra những tài liệu, chứng cứ chứng minh sở hữu quyền cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Vậy, những tài liệu, chứng cứ đó mà chủ sở hữu quyền cần chuẩn bị cụ thể là gì?

Theo Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan khi gửi yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, sẽ cần gửi kèm theo những tài liệu, chứng cứ chứng minh chủ thể có quyền đối với tài sản bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Những tài liệu, chứng cứ chứng minh cần chuẩn bị được quy định tại Khoản 4 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Thông tin của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu: Tên; địa chỉ hiện tại; địa chỉ thư điện tử; số điện thoại liên hệ; số giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân; số đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy phép thành lập đối với tổ chức;

2. Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền, trong đó chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan phải cam kết chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ;

  • Đối với quyền tác giả, quyền liên quan đã được đăng ký:
    • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;
    • Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
  • Đối với quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đăng ký:
    • Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa có nêu tên chủ thể quyền theo quy định tại Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ[1] và Điều 59 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP[2];
    • Các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, biểu diễn, phân phối, phát sóng, truyền đạt các đối tượng nêu trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có);

3. Văn bản được ký số của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu cam kết chịu mọi trách nhiệm pháp lý với yêu cầu gỡ bỏ, ngăn chặn hoặc phản đối của mình, kể cả trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bên liên quan nếu có thiệt hại xảy ra;

4. Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và thiệt hại xảy ra:

  • Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan);
  • Tài liệu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi âm, ghi hình đối tượng bị xem xét;
  • Bản giải trình, so sánh giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Biên bản, lời khai, vi bằng, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.

Tài liệu, hiện vật nêu trên phải lập thành danh mục, có chữ ký xác nhận của người yêu cầu xử lý xâm phạm.

5. Bên yêu cầu phải cung cấp thông tin về vị trí, đường link dẫn đến nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và mô tả nội dung xâm phạm. Bên bị yêu cầu phải cung cấp thông tin về vị trí, đường link dẫn đến nội dung thông tin số đang bị tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn;

6. Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu là bên được ủy quyền.

Trên đây là nội dung bài viết “Khi yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập thông tin, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần chuẩn bị tài liệu, chứng cứ chứng minh gì?” . Hy vọng bài viết này có ích đối với các bạn.

Trân trọng,


[1] Điều 198a. Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan

Trong các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình sự về quyền tác giả và quyền liên quan, nếu không có chứng cứ ngược lại thì quyền tác giả, quyền liên quan được giả định như sau:

1. Cá nhân, tổ chức được nêu tên theo cách thông thường là tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó;

2. Nêu tên theo cách thông thường quy định tại khoản 1 Điều này được hiểu là được nêu tên trên bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan (nếu có) hoặc trên các bản sao tương ứng được công bố hợp pháp trong trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại;

3. Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng quyền tác giả hoặc quyền liên quan tương ứng.

[2] Điều 59. Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 2 Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng lần đầu tiên.

2. Cá nhân đứng tên là tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên bản sao tác phẩm đã xuất bản hoặc trên bản gốc tác phẩm mỹ thuật theo cách thông thường được coi là tác giả cho đến khi có chứng cứ ngược lại.

3. Đối với tác phẩm đã được xuất bản, trường hợp tác giả không đứng tên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì nhà xuất bản đứng tên trên bản sao tác phẩm được coi là chủ thể quyền.

4. Chủ thể quyền đối với tác phẩm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này có quyền thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định tại khoản này không ảnh hưởng đến thỏa thuận đã có giữa các bên có liên quan.

5. Trường hợp bản gốc, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không còn tồn tại, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ cũng được xác định trên bản gốc, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khác có liên quan, trong đó có nêu tên tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng trong chừng mực hợp lý để khẳng định chủ thể quyền.