Đối với tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm, việc đăng ký quyền tác giả sẽ là sự ghi nhận công sức, sự sáng tạo của họ, là lá bùa hộ mệnh để chứng minh nếu như có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc đăng ký quyền tác giả. Và, liệu không đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm có được bảo hộ không? Hãy cùng theo dõi bài viết của chúng tôi dưới đây.

1. Đăng ký bản quyền tác giả là gì?

“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu” căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, phần mềm máy tính… Khi một tác phẩm được sáng tạo thì tác giả, hay chủ sở hữu tác phẩm sẽ có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm đó.

    Đăng ký quyền tác giả là việc mà tác giả, chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm mục đích xác lập, tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm thông qua Giấy chứng nhận. Đây như là một sự công nhận có căn cứ theo pháp luật cho sự sáng tạo; công sức của tác giả với đứa con tinh thần của họ. Hiện nay, việc đăng ký bản quyền tác giả không phải là bắt buộc nhưng chỉ những chủ thể có đủ điều kiện sau mới có quyền đăng ký quyền tác giả:

    • Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm, chủ sở hữu tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam như trên.
    • Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có thể là cá nhân, pháp nhân trong nước hoặc cá nhân, pháp nhân nước ngoài đều có quyền nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả  cho tác phẩm của mình tại Cục Bản quyền tác giả.

    Khi tiến hành nộp đơn đăng ký cá nhân, pháp nhân trong nước có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền tác giả thay mặt mình nộp đơn đăng ký tới cơ quan đăng ký. Đối với cá nhân, pháp nhân nước ngoài muốn đăng ký bản quyền tác giả  tại Việt Nam sẽ ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền tác giả nộp đơn đăng ký cho tác phẩm tại Việt Nam.

    2. Căn cứ phát sinh quyền tác giả

    Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Theo đó, quyền tác giả được bảo hộ khi thỏa mãn 02 điều kiện:

    •  Có tính định hình (fixation): thể hiện dưới dạng vật chất nhất định;
    • Có tính nguyên gốc (originalilty): được hiểu là do chính tác giả sáng tạo ra tác phẩm, và tác phẩm này phải là kết quả của sự sáng tạo nguyên bản đầu tiên.

    Vì vậy, ngay sau khi hoàn thành tác phẩm và mặc dù chưa tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền, quyền tác giả vẫn sẽ phát sinh từ thời điểm đó. Khi có tranh chấp xảy ra, bên cạnh căn cứ theo Giấy chứng nhận bản quyền tác giả, Cơ quan Nhà nước sẽ căn cứ theo thời điểm mà tác phẩm đó được sáng tạo và định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

    3. Tác dụng của việc đăng ký quyền tác giả

    Mặc dù đăng ký bản quyền không phải là bắt buộc. Tuy nhiên nếu tác giả chủ sở hữu tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả với Cục bản quyền tác giả sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi. Sau khi làm thủ tục đăng ký quyền tác giả thì tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả. Đây là sự chứng nhận cho sự sáng tạo của tác giả các phần thưởng xứng đáng, động viên tinh thần làm việc cho người sáng tạo. Đặc biệt, việc đăng ký sẽ là cơ sở xác nhận thời điểm phát sinh quyền tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm.

    Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả nhằm đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như: ăn trộm, sao chép, lạm dụng tác phẩm đó.

    Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm. Bởi vì, trong thực tế việc chứng minh quyền sở hữu tác phẩm khi chưa được đăng ký bảo hộ là rất khó khăn.

    Nếu tác giả phát hiện có người sử dụng trái phép tác phẩm của mình, tác giả có thể yêu cầu người sử dụng đó ngừng sử dụng và có thể đòi bồi thường thiệt hại. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi tác giả đã đăng ký bản quyền tác giả.

    Giấy chứng nhận bản quyền tác giả là một loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tác phẩm, được sử dụng khi định giá tài sản của công ty trong trường hợp cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

    Trên đây là bài viết “Không đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm có được bảo hộ không?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.