Vấn đề bảo vệ quyền tác giả đang thu hút được nhiều sự chú ý hiện nay. Nhiều tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả thường đặt ra câu hỏi liệu họ có quyền khởi kiện khi chưa đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình hay không? Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan

Căn cứ theo Điều 56 Nghị định 17/2023/NĐ-CP và thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, chủ thể có quyền khởi kiện bao gồm:

Thứ nhất: Tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; người thừa kế hợp pháp của tác giả hoặc của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng; người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; tổ chức phát sóng;

Thứ hai: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền.

Thứ ba: Cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

Không đăng ký quyền tác giả có được khởi kiện không?

2. Không đăng ký quyền tác giả có đươc khởi kiện không?

Theo pháp luật Sở hữu trí tuệ quy đinh về quyền tác giả, quyền liên quan thì quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được tạo ra  và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do đó, khi bị xâm phạm quyền tác giả, tác giả hoặc chủ sở hữu có quyền khởi kiện khi chưa đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm. Tuy nhiên việc chứng minh mình là chủ sở hữu sẽ gặp khó khăn.

Bởi khi người khởi kiện khởi kiện một vụ án tranh chấp bản quyền thì người khởi kiện/ nguyên đơn đầu tiên phải chứng munh mình là chủ thể quyền sở hữu đối với tác phẩm. Nếu không chứng minh được hoặc các chứng cứ không được Tòa án chấp nhận thì xem như nguyên đơn đã thất bại trong vụ án bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan này.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì các chứng cứ để nguyên đơn chứng minh là chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:

  • Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
  • Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.

Ngoài ra theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình trừ khi có tranh chấp trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Hơn nữa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì nhũng tình tiết, sự kiện đã được xác định trong Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh là thông tin về chủ sở hữu tác phẩm, tác giả của tác phẩm,…

Trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, thì theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 6, Điều 12a, Điều 13, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 198a Luật SHTT hiện hành; Điều 59, Khoản 3 Điều 65 Nghị định 17/2023 các chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan có thể là:

  • Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm với tên chủ thể quyền.
  • Tài liệu chứng minh bạn là người trực tiếp tạo ra tác phẩm.
  • Các tài liệu từ cơ sở dữ liệu máy tính ghi nhận quá trình tạo tác phẩm.
  • Văn bản giao việc cho tác giả hoặc hợp đồng thuê tác giả.
  • Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, hoặc các tài liệu liên quan đến việc công bố, phân phối tác phẩm.

Tuy nhiên theo quy định của Điều 94 và Điều 108 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì các tài liệu như nêu trên chỉ được xem là nguồn của chứng cứ và phải được Tòa án đánh giá tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng tài liệu này khi giải quyết tranh chấp; và do vậy các tài liệu này có thể được chấp nhận là chứng cứ để chứng minh rằng nguyên đơn là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan trong vụ tranh chấp.

Từ những căn cứ trên cho thấy Giấy chứng nhận quyền tác giả không phải là tài liệu bắt buộc để khởi kiện tuy nhiên, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên đăng ký bản quyền để bảo vệ quyền tác giả đặc biệt là trong việc chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.

Trên đây là bài viết “Không đăng ký quyền tác giả có được khởi kiện không? ” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,