Ở Việt Nam, khi một bài hát nào mới vừa phát hành là ở các cửa hàng, quán cafe, nhà hàng,… đều có thể sử dụng bài hát để phát lại trong quán của mình. Đặc biệt là các quán karaoke hiện nay đều sử dụng bài để kinh doanh, vậy khi sử dụng các bài hát đó thì có phải trả tiền bản quyền cho tác giả bài hát hay không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của VCD.
1. Quy định về Bản quyền âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn (Điều 10 nghị định 22/2018/NĐ-CP).
Còn về bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được đọc được tạo ra theo phương pháp tương tự.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) bản ghi âm, ghi hình bài hát là đối tượng được bảo hộ quyền liên quan. Những tổ chức, cá nhân khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng (khoản 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ).
Sử dụng bản ghi âm, ghi hình các bài hát là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đó để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng.
Karaoke là hình thức giải trí hát lại lời bài hát trên nền nhạc đã được thu sẵn, lời bài hát sẽ được thể hiện trên một màn hình. Về bản chất, đối tượng kinh doanh của dịch vụ karaoke là bản ghi âm, ghi hình một cuộc biểu diện của các tác phẩm âm nhạc và đây đều là những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế trong hoạt động kinh doanh karaoke, những chủ thể kinh doanh đều không để tâm đến việc thanh toán tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.
2. Kinh doanh hát karaoke có phải trả tiền bản quyền không
Thực tế hiện nay trong hoạt động kinh doanh karaoke đặc biệt là các chủ chủ thể kinh doanh có quy mô nhỏ thường không chú trọng đến việc tuân thủ quy định bản quyền, việc sử dụng các bài hát mà không trả tiền bản quyền vẫn diễn ra.
Ngoài hoạt động karaoke truyền thống tức là sao chép các bài hát vào các đĩa CD hay một hệ thống lưu trữ cố định thì việc kinh doanh Karaoke hiện nay còn dựa trên các bản ghi âm và ghi hình trực tuyến từ các trang web như YouTube, nhaccuatui và các nền tảng trực tuyến khác đã trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, đa số người kinh doanh Karaoke tại Việt Nam thường chỉ chú trọng đáp ứng các điều kiện hoạt động kinh doanh karaoke theo quy định pháp luật, chẳng hạn như thành lập doanh nghiệp hộ kinh doanh và tuân thủ các quy định về phòng cháy nổ và diện tích phòng hát tối thiểu.
Do đó, việc sử dụng các bản ghi trong kinh doanh karaoke thuộc trường hợp sử dụng tác phẩm bản ghi âm ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định tại Điều 26, Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 43 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định:
“Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản một điều 26, khoản một và khoản hai điều ba của luật sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc khai thác, sử dụng. Trường hợp không liên lạc trực tiếp được với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng”.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 45 Nghị định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể hơn về trường hợp khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình: “Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.”
Theo đó, tuy không phải xin phép tác giả nhưng khi sử dụng bài hát tại các quán karaoke thì họ sẽ phải trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc quyền lợi vật chất khác cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (hoặc cá nhân, tổ chức đại diện cho tác giả) theo thỏa thuận của các bên hoặc nếu không có thỏa thuận thì theo biểu giá và phương thức thanh toán do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Nếu tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đến 25.000.000 đồng (theo Khoản 3 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên trên thực tế VCD thấy rằng để thu phí bản quyền tác giả và tác quyền bản ghi âm rất là khó, bởi có rất nhiều cơ sở sử dụng và rất khó kiểm soát. Mức phí thu cũng chưa được rõ ràng và hợp lý khiến cho công tác thu phí bản quyền càng khó khăn hơn. Do đó, các tổ chức cá nhân kinh doanh karaoke có thể tìm đến các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật công nhận – là các tổ chức được nghệ sĩ ủy quyền tác quyền âm nhạc, để nhanh chóng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nhuận bút, thù lao cho việc sử dụng vẫn ghi trong hoạt động kinh doanh của mình.